Wonder week 64 tuần tuổi: Thế giới của những nguyên tắc
Nội dung bài viết
- 1. Wonder week 64 là gì?
- 2. Wonder week 64 bắt đầu khi nào?
- 3. Wonder week 64 biểu hiện như thế nào?
- 4. Wonder week 64 kéo dài bao lâu?
- 5. Sau wonder week 64 con phát triển kỹ năng gì mới?
- 6. Trải nghiệm Wonder week 64 của mẹ
- 7. Mẹ nên làm gì khi nhận ra các dấu hiệu của Wonder week 64
- 8. Xem thêm các giai đoạn wonder weeks của bé
Vào khoảng 14-15 tháng tuổi, bé yêu của mẹ lại bắt đầu nhận thấy mọi thứ lại đang thay đổi chóng mặt. Một mê cung những khái niệm mới đang hình thành bên trong não bộ của bé. Và Wonder week 64 dần dần xuất đầu lộ diện.
Mẹ tìm hiểu về khủng hoảng 64 tuần tuổi của bé để chuẩn bị hành trang vượt bão cùng bé yêu nhé!
- 1. Wonder week 64 là gì?
- 2. Wonder week 64 bắt đầu khi nào?
- 3. Wonder week 64 biểu hiện như thế nào?
- 4. Wonder week 64 kéo dài bao lâu?
- 5. Sau wonder week 64 con phát triển kỹ năng gì mới?
- 6. Trải nghiệm Wonder week 64 của mẹ
- 7. Mẹ nên làm gì khi nhận ra các dấu hiệu của Wonder week 64
- 8. Xem thêm các giai đoạn wonder weeks của bé
1. Wonder week 64 là gì?
Wonder week 64 (khủng hoảng 64 tuần tuổi của bé) là bước nhảy vọt thứ chín (mental leap 9) trong quá trình phát triển về tinh thần mà mọi đứa trẻ đều trải qua trong hai mươi tháng đầu đời.

Wonder week 64 tuần: Tuần lễ của nguyên tắc
Nếu như ở những tuần trước, bé nhận thức được để đạt được một mục tiêu cần thực hiện theo những bước nào thì lúc này, bé học được cách tự mình xoay sở theo các cách khác nhau để hoàn thành mục tiêu đó trong những hoàn cảnh cụ thể.
Nhờ việc liên tục thực hành, lựa chọn, thử và sai, bé hiểu được những quy luật, những nguyên tắc nhất định. Và trong quá trình tìm tòi ấy, có những lúc bé hứng khởi và cũng có những cáu gắt, bực bội. Mẹ hãy tìm hiểu về wonder week 64 này để cảm thông và trợ giúp đắc lực cho bé học hỏi khám phá nhé
2. Wonder week 64 bắt đầu khi nào?
Wonder week 64 xảy đến vào khoảng tuần tuổi từ 61-65. Mẹ cần lưu ý cách tính tuổi của con theo tuần. Thời điểm bắt đầu tính wonder week cho bé là ngày dự sinh, không phải ngày bé chào đời.
Mẹ có thể tham khảo chi tiết hơn về cách tính wonder weeks cho bé.
3. Wonder week 64 biểu hiện như thế nào?

Mẹ nhận thấy bé hay khóc nhè, mè nheo và bực bội vô cớ
- Mẹ nhận thấy bé hay khóc nhè, mè nheo và bực bội vô cớ. Lúc trước đang vui vẻ, lúc sau bé đã cáu gắt ngay được
- Bé bám dính lấy mẹ, thu hút sự chú ý của mẹ bằng những hành động không nên làm như ném đồ xuống sàn
- Bé ngủ ít hơn trong cả giấc ngày và giấc đêm. Bé dễ bị thức giấc và khóc lóc cáu kỉnh như vừa mơ thấy “ác mộng”
- Bé tỏ ra không thiết tha gì chuyện ăn uống và ăn rất ít
- Đôi lúc bé chỉ ngồi im lơ đãng
- Bé có thể đột nhiên hành động một cách dễ thương hoặc thể hiện tình cảm bằng những cái ôm và thơm.
- Di mọi thứ có thể giống như chúng đều là ô tô đồ chơi
4. Wonder week 64 kéo dài bao lâu?
Bé sẽ trở nên khó ở trong khoảng 5 tuần, cũng có những bé từ 3-7 tuần. Thông thường, từ tuần thứ 64 trở đi những kỹ năng mới sẽ dần xuất hiện tùy theo tốc độ phát triển của từng em bé.
5. Sau wonder week 64 con phát triển kỹ năng gì mới?

Bé trở nên năng động và thích thử nghiệm với các kỹ năng vận động
Bé trở nên năng động và khéo léo hơn, thích thử nghiệm với các kỹ năng vận động
- Bò vào trong một vật rồi lại bò trở ra
- Cần cù đi lên dốc rồi lại đi xuống dốc không biết chán
- Cho ô tô đồ chơi leo dốc
- Liên tục làm đi làm lại một việc gì đó
Bé có khả năng bắt chước những hành vi phức tạp hơn cùng điệu bộ, biểu cảm
- Bắt chước những động tác đòi hỏi sự khéo léo như cầm bút, vặt lá khi nhặt rau…
- Bắt chước những hành động bất thường như chắp tay sau lưng như bà còng, đi khập khiễng…
- Làm y như như mẹ làm: xỏ chân vào đôi giày siêu to khổng lồ của mẹ
Bé tự chơi một mình được lâu hơn và tập trung hơn
Bé tỏ ra cẩn thận trong những việc tự mình làm được như khi mang quần áo vào giỏ. Nếu chiếc tay áo bị vắt trên thành giỏ thì bé cũng sẽ quay lại để nhấc tay áo đó bỏ gọn vào trong giỏ.
Bước đầu thể hiện cái tôi cá nhân
- Thể hiện tính sở hữu đối với đồ chơi, đồ dùng cá nhân: không cho bạn khác chơi ô tô của mình, không đồng ý khi đột nhiên bị cởi tất, cởi yếm…
- Tỏ ra cẩn thận khi lựa chọn đồ chơi, sách truyện
- Cố gắng để được làm theo ý mình
Bước đầu biết “nịnh”
- Tỏ ra dễ thương khi muốn được cho một món đồ hay được cho phép làm việc gì
- Thích được giúp đỡ mẹ
6. Trải nghiệm Wonder week 64 của mẹ
Nếu như trước đây khi bé còn nhỏ, bé khóc lóc bám dính khiến mẹ thấy vô cùng lo lắng và thật mủi lòng thì giờ đây, mẹ chỉ cảm thấy bực bội và cáu gắt. Cả một ngày dài mẹ chỉ có buổi tối là thời gian của mình thì bây giờ, bé con khó ở cũng chiếm dụng mất.
Khi thế giới nhận thức bên trong xáo trộn, bé cần được mẹ quan tâm chú ý. Và lúc này, nghịch bẩn hay làm hỏng hóc, vỡ vụn thứ gì đó lại là cách dễ nhất để thu hút sự chú ý của mẹ. Khỏi cần phải nói, mẹ đau đầu với mớ lộn xộn này như thế nào.
Nhiều khi con còn giả vờ như không nghe thấy lời mẹ nói và phớt lờ mẹ luôn. Mẹ cảm thấy như bị mất kết nối với con yêu vậy.
Mẹ còn kỳ vọng giờ đây bé lớn hơn trước thì cũng sẽ biết cư xử phù hợp hơn. Và mẹ thấy thất vọng tràn trề
Khi mọi chuyện mất kiểm soát, mẹ chỉ cần nhớ sau những ngày giông bão là những ngày nắng đẹp. Những phiền toái này là để con từng bước lớn lên. Việc mẹ nên làm là tập trung hỗ trợ con hoàn thành kỹ năng mới.

Có những lúc mẹ ngạc nhiên khi bé bỗng nhiên trở nên tình cảm và đáng yêu
Tuy vậy, sẽ có những lúc mẹ ngạc nhiên khi bé bỗng nhiên trở nên tình cảm và đáng yêu hơn bao giờ hết. Bé có thể vòng tay ôm lấy cổ mẹ, cọ má vào má mẹ, gặm cái cằm và thơm mẹ một cái. Và chính nguồn cơn gây rắc rối bé nhỏ ấy lại vừa sạc đầy năng lượng và yêu thương lại cho mẹ đó.
7. Mẹ nên làm gì khi nhận ra các dấu hiệu của Wonder week 64
7.1. Mẹ kiên nhẫn tạo điều kiện cho bé thỏa sức trải nghiệm trong môi trường an toàn
Để thực hiện nhuần nhuyễn và trôi chảy một việc gì đó, bé cần thực hành, thử và sai rất nhiều lần. Do vậy nhiều lúc mẹ sẽ thấy mẹ cứ làm đi làm lại một việc đơn giản nào đó như đi lên đi xuống mãi ở một cái dốc trên đường mà không chịu đi tiếp hay phải đi vào vũng nước mưa trên đường thì mới được. Mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi bé một chút, cho bé được trải nghiệm và từ tốn giải thích khi những việc bé làm chưa phù hợp bởi đây chính là lúc bé đang học hỏi kỹ năng mới.

Bé không ngừng học hỏi những kỹ năng mới
Nguyên tắc là khái niệm được mọi người quy ước với nhau. Có những nguyên tắc chung mang tính đúng sai rõ ràng như cách đi cầu thang an toàn để không bị ngã, đi trên đường cần tránh vũng nước để không bị ướt, cách cầm thìa để xúc được cơm mà không bị rơi ra ngoài.…
Có những nguyên tắc chung của xã hội như cần xếp hàng khi thanh toán ở siêu thị, cần có tinh thần hợp tác, yêu thương tôn trọng khi ở trong một tập thể… Cũng có những nguyên tắc mang tính tương đối như cách chào hỏi ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Đây là những điều mẹ cần ở bên cạnh để chỉ dẫn cho bé dần dần từng chút một và là những nguyên tắc bé còn cả một chặng đường dài ở phía trước để học hỏi ở trường học, ở bên ngoài xã hội.
Bên cạnh đó còn có những nguyên tắc được hình thành trong chính gia đình, để tạo lập thói quen tốt cho bé. Ví dụ như cất dọn đồ đạc ngăn nắp sau khi dùng, ăn uống gọn gàng tại bàn ăn… Mẹ có thể định hình những nguyên tắc lành mạnh này cho bé ngay từ bây giờ bằng những việc nhỏ như cất giày dép sau khi đi ra ngoài, mang quần áo của mình vào ngăn kéo, mang đồ cần giặt vào đúng giỏ, tập tự ăn tại bàn cùng gia đinh… Đây đều là những việc đơn giản nhưng cần mẹ kiên nhẫn nhắc nhở và hướng dẫn bé mỗi ngày.
7.2. Mẹ hỗ trợ bé phát triển ngôn ngữ
Lúc này bé rất thích được chỉ trỏ đồ vật xung quanh hay các bộ phận cơ thể khi mẹ gọi tên. Do vậy mẹ có thể bắt đầu trò chơi bằng câu hỏi: ”Mẹ đố con biết…?” và làm vẻ mặt bí hiểm để khơi gợi sự tò mò của bé. Bé chỉ đúng, mẹ đừng quên khen ngợi. Nếu bé chỉ sai, mẹ từ tốn gọi tên cả đồ vật đúng và đồ vật sai. Ngược lại, mẹ chỉ vào đồ vật và hỏi bé “Cái gì đây nhỉ?”. Bé luôn cố gắng trả lời mẹ bằng một từ nào đó. Đây cũng là lúc bé tập nói từ đơn.

Bé tập nói từ đơn
Trò chơi gọi tên cũng là cách tập giao tiếp vừa hiệu quả vừa vui vẻ giữa ba mẹ và con. Mẹ ở trong bếp, bé ở ngoài phòng khách. Hai mẹ con cứ gọi thật to rồi đáp lời. Mẹ sẽ thấy bé nhiệt tình gọi mãi thôi và mẹ thì có thể yên tâm vừa nấu ăn vừa chơi cùng bé rồi.
Bé càng ngày càng hiểu được những gì mọi người xung quanh đang nói chuyện với nhau và với bé. Vì thế nếu mẹ nói lời hướng hướng dẫn một cách ngắn gọn và rõ ràng, bé cũng sẽ tỏ ra hợp tác và vui vẻ làm theo. Mặt khác, mẹ cần chú ý lời nói của mình để tránh việc “kể xấu” về bé với người khác trước mặt bé nhé.
7.3. Mẹ hỗ trợ bé học kỹ năng mới thông qua những trò chơi phù hợp
Các trò chơi vận động
Lúc này bé rất háo hức được thử nghiệm những nguyên tắc trên chính cơ thể mình. Do vậy mẹ sẽ thấy bé tràn đầy năng lượng, luôn trong trạng thái chạy nhảy, leo trèo, bò trườn, lăn lộn khắp mọi nơi. Mẹ hãy dành thời gian cho bé được đi cầu thang, lên xuống dốc, chơi cầu trượt, trò leo núi, xà đu, chơi những trò chơi vận động ở khu vui chơi trẻ em.
Khám phá thế giới ngoài trời

Cha mẹ có thể cùng bé đi dạo
Mẹ có thể cùng bé đi dạo và cho bé thoải mái quyết định mình sẽ rẽ trái hay rẽ phải, đi tiếp hay dừng lại nhặt chiếc lá rơi, ngắm nghía vũng nước bên đường. Sở thú cũng là nơi bé đặc biệt yêu thích, nơi bé được trực tiếp quan sát chú voi hay chú hươu cao cổ, được lắng tai nghe bạn ngựa hí vang, được hít hà mùi cây cỏ tự nhiên.
Các trò chơi trong nhà
Những công việc nhà thường nhật trở thành trò chơi thú vị với bé. Bé rất thích được giúp đỡ mẹ, được đóng vai trò quan trọng trong một nhiệm vụ nào đó nên mẹ có thể giao cho bé việc nhà phù hợp như mang đồ ra bàn ăn, rửa chén bát, lau bàn của con…và nhớ là phải khen ngợi thật xứng đáng.

Những công việc nhà thường nhật trở thành trò chơi thú vị với bé
Ú òa và trốn tìm luôn là những trò chơi được chào đón. Trò chơi này ngày càng phát triển thêm một cấp độ mới. Bây giờ bé có thể chủ động “òa” mẹ hoặc đi trốn trong phòng để chờ mẹ bắt được và cười sung sướng.
7.4. Mẹ lưu ý cách thể hiện thái độ khi bé thử nghiệm cảm xúc
Cảm xúc cũng là một trong số những điều bé đang háo hức thử nghiệm ở tuần khủng hoảng 64 của bé. Bé tò mò với cách mẹ hay những em bé khác phản ứng trước những hành vi gây hấn như cắn, đấm, đá, đầy người khác hay làm vỡ hay làm hỏng món đồ nào đó. Bé chỉ đang tìm hiểu và học hỏi mà thôi.
Lúc này, thái độ của mẹ trở nên rất quan trọng. Mẹ hãy cho bé biết mẹ đang nghĩ gì về những hành vi đó của con. Đây cũng là cách duy nhất để bé hiểu được rằng việc gây hấn chỉ làm tổn thương người khác, hoàn toàn không phải điều gì đó hài hước, thú vị và được khuyến khích.
Mẹ cũng có thể chọn những đầu sách có nội dung liên quan đến các cảm xúc cá nhân thông qua câu chuyện của những con vật hay những em bé khác để mô phỏng cho bé thấy những phản ứng, hệ quả và những gì nên hoặc không nên làm.
Cùng HiChiu tìm hiểu về wonder weeks – những tuần khủng hoảng của bé, chế độ ăn dặm, nuôi con bằng sữa mẹ và các kiến thức khác giúp ba mẹ tự tin nuôi dạy những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc!
Cùng tìm hiểu chi tiết về các giai đoạn wonder weeks của bé:
- Wonder week 5 tuần: Sự thay đổi giác quan
- Wonder week 8 tuần: Tuần lễ khám phá
- Wonder week 12 tuần: Tuần của vận động
- Wonder week 19 tuần: Bé học kĩ năng
- Wonder week khoảng tuần 22 đến tuần 26: Tuần lễ của các mối quan hệ
- Wonder week khoảng tuần 33 đến tuần 37: Bé học cách phân loại
- Wonder week khoảng tuần 41 đến tuần 46: Thế giới của trình tự
- Wonder week khoảng tuần 51 đến tuần 55: Bé thực hiện chu trình
- Wonder week 64 tuần: Tuần lễ của nguyên tắc
- Wonder week 75 tuần: Tuần lễ của hệ thống
Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.
Nguồn tham khảo: www.weebeedreaming.com