Trẻ sơ sinh khóc đêm: Nguyên nhân và lời khuyên tâm lý cho mẹ
Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh khóc đêm khiến nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng và khổ sở. Trẻ khóc kéo dài gây nên tâm lý hoang mang, từ đó nhiều ba mẹ tìm cách chữa trị. Theo các chuyên gia nhi khoa, cho đến nay vẫn chưa có minh chứng khoa học giải thích nguyên nhân của khóc kéo dài hàng giờ ở trẻ sơ sinh vào ban đêm và cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
Giả thuyết được các chuyên gia đồng tình nhiều nhất là tâm trạng lo lắng, bất an, hoặc những căng thẳng của mẹ ảnh hưởng đến sự biến đổi trạng thái tâm lý và thể chất của trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời, hoặc về thể chất, hệ tiêu hóa non nớt chưa thể thích ứng với chế độ dinh dưỡng với nhiều protéin, chất kích thích trong sữa mẹ khi cho con bú đã… khiến bé bị đầy hơi, đau bụng.
Dưới đây là một vài lý do có thể khiến trẻ sơ sinh khóc đêm. Hiểu thêm về nguyên nhân khiến bé khóc đêm, mẹ sẽ tìm ra cách hỗ trợ bé tốt nhất.
Bé bị đói bụng

Đói bụng là nguyên nhân trẻ sơ sinh khóc đêm phổ biến
Đây chắc hẳn là nguyên nhân đầu tiên mẹ nào cũng nghĩ đến khi trẻsơ sinh quấy khóc đêm. Nếu ban ngày trẻ ăn không hiệu quả,thì rất dễ dẫn đến việc trẻ khóc đêm lục sục tìm mẹ vì đói.
Tuy nhiên, trẻ khóc đêm vì đói cũng là nguyên nhân dễ gây hiểu nhầm nhất. Mọi người thường có xu hướng “dịch” tiếng khóc của bé có nghĩa là đói bởi quan niệm bé sơ sinh thì đâu biết gì ngoài chuyện ăn và ngủ, ngủ không được thì chắc hẳn là do đói bụng! Do đó, mẹ hãy quan sát những biểu hiện sau để chắc chắn rằng bé sơ sinh khóc đêm là vì đói bụng nhé!
- Nếu bé ti mẹ trực tiếp: Mẹ cần xác định bé ti mẹ có đúng khớp ngậm hay không, bé có ti đủ no không, số lần ướt bỉm là bao nhiêu, bé có ti vặt, ti rồi ngủ hay không?
- Nếu bé ti bình: Bé có chuyển lượng ăn từ ban ngày sang ban đêm hay không? Mẹ chỉ cần đo tổng lượng sữa ban đêm rồi so với ban ngày sẽ rõ.
Nếu trẻ khóc vào giờ nhất định ban đêm thì khả năng cao là con bị đói thật đó mẹ ạ. Còn nếu trẻ khóc vào giờ nhất định tầm chiều tối thì có thể là đang giờ quỷ quái – giờ cáu gắt thường gặp ở trẻ sơ sinh mà thôi.
Cách giúp bé ngủ ngon hơn là giải quyết cơn đói của bé. Thật đơn giản phải không mẹ. Nhưng mẹ có biết giấc ngủ sâu vào ban đêm rất cần thiết đối với trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, mẹ cho bé ti trực tiếp đã đành, nếu mẹ phải lích kích với bình sữa rồi vắt hút liên tục vào ban đêm thì sức khỏe lâu dài của mẹ sẽ bị ảnh hưởng.
Mẹ nên để dành việc ăn cho ban ngày, cũng là khoảng thời gian bé cần nhiều năng lượng để hoạt động, để khám phá thế giới xung quanh. Vì thế, mẹ hãy gọi bé dậy nếu bé vừa ăn vừa ngủ gật để luôn đảm bảo bé ăn đủ no vào các bữa ban ngày nhé. Cách này sẽ giúp mẹ hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ vào ban đêm để đòi ti.
Tã bẩn khiến bé sơ sinh khóc đêm

Tã bẩn khiến bé sơ sinh khóc đêm
Đây là lý do phổ biến nhất mà bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi thấy trẻ sơ sinh khóc đêm . Thật khó để ngủ ngon với một chiếc tã bẩn kèm theo cảm giác ẩm ướt và bé chỉ có thể nói cho bạn biết rằng mình cần thay tã thông qua việc khóc.
Trẻ quấy khóc về đêm do chứng colic

Hội chứng colic ở trẻ sơ sinh
Nếu hiện tượng trẻ sơ sinh khóc đêm kéo dài đến hàng giờ, đây có thể là dấu hiệu của chứng quấy khóc ở trẻ (colic). Có đến 26% trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc phải hội chứng này. Colic thường bắt đầu sau khi bé được 2 tuần tuổi, phát triển đỉnh điểm ở tuần thứ 6 và hết sau 16 tuần.
Bé gặp vấn đề sức khỏe
Nguyên nhân trẻ sơ sinh khóc đêm cũng có thể liên quan đến sức khỏe. Mẹ hãy quan sát các biểu hiện của bé để phán đoán bé có gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không như bé bị sốt, ho, chảy nước mũi…
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, mẹ cần đưa bé đi khám ngay khi bé bị sốt. Còn chuyện trẻ khóc đêm thì sao? Người lớn chúng ta cũng rất cáu gắt mệt mỏi khi cơ thể không khỏe đúng không mẹ? Người lớn có nhiều cách để thể hiện cảm nhận của mình; thế nhưng khóc là cách duy nhất để em bé bày tỏ với mẹ sự khó chịu đang có.
Hơn nữa, bé còn hoang mang không rõ cảm giác bức bối này là gì. Lúc đó, bé rất cần bàn tay âu yếm và tiếng nói vỗ về của mẹ. Bởi vậy khi bé không khỏe, mẹ hãy kiên nhẫn chiều bé thêm một chút nhé!
Trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ do bị lẫn lộn ngày đêm

Trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ do bị lẫn lộn ngày đêm
Lẫn lộn ngày đêm là khi mẹ không có dấu hiệu giúp bé nhận biết ban ngày là để ăn và hoạt động, còn ban đêm mới là để ngủ thật ngon và thật sâu. Nếu bé bị lẫn lộn, mẹ có thể thấy ban ngày bé ngủ li bì, rồi ban đêm ngủ không sâu giấc, dậy chơi hoặc quấy khóc nhiều lần.
Bé còn nhỏ xíu vậy nhưng mẹ vẫn có cách để “nói” cho bé hiểu ngày và đêm là gì đó mẹ ạ. Mẹ hãy giúp bé biết phân biệt ngày và đêm bằng những lưu ý sau:
- Thiết lập môi trường khác biệt giữa ban đêm và ban ngày: Ban đêm mẹ sẽ tắt đèn tối và cho bé ngủ trong không gian yên tĩnh, còn ban ngày mẹ vẫn để bé ngủ khi trong phòng có ánh sáng và vẫn có tiếng động của mọi người trong gia đình.
- Hành động khác biệt giữa ban đêm và ban ngày và duy trì để tạo sự nhất quán. Ban ngày mẹ nói chuyện với bé lúc ăn, lúc thay bỉm cho bé nhưng ban đêm mẹ chỉ cho bé ăn và thay bỉm nhanh gọn trong yên lặng.
- Mẹ nên thiết lập trình tự đi ngủ giấc đêm bằng một chuỗi những hành động lặp đi lặp lại mỗi ngày như tắm, massage, đọc truyện rồi mới đi ngủ.
Điều quan trọng là thiết lập xong phải hành động nhất quán từ ngày này sang ngày khác mẹ nhé! Mẹ nên hướng bé vào nếp EASY 3 phù hợp với giai đoạn này của bé. Ban ngày bé ngủ 2 tiếng rồi thức dậy ăn, sau đó chơi 1 tiếng, ban đêm ngủ 12 tiếng và ăn đêm khoảng 2-3 lần.
Bé đang trong tuần khủng hoảng
Có thể bé đang trải qua wonder weeks (tuần khủng hoảng) đầu tiên, mở đầu chuỗi tuần khủng hoảng của bé liên tiếp diễn ra trong 20 tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ, trẻ sơ sinh khóc thét từng cơn vào ban đêm, trẻ dễ thức giấc luôn là biểu hiện kinh điển của tuần khủng hoảng.
Đi kèm với đó, mẹ có thể dễ dàng nhận ra những dấu hiệu của của giai đoạn này bằng việc bé bám mẹ và có nhu cầu ngậm ti mẹ nhiều hơn. Chỉ khi mẹ ôm ấp, vỗ về thì bé mới ngừng khóc. Bé chỉ ngủ được khi rúc sát hết cỡ vào lòng mẹ, gục đầu vào ngực mẹ. Thậm chí với một số bé, việc ngậm ti mẹ hoặc ti bình trở thành niềm an ủi duy nhất có thể xoa dịu được tâm trạng của bé.
Tuần khủng hoảng phiền phức sẽ nhanh chóng qua đi cùng với những bước phát triển mới của bé. Việc duy nhất mẹ có thể làm là giúp bé bình tĩnh lại, chờ đợi khoảng thời gian này qua đi và hỗ trợ bé đạt được kỹ năng mới.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể áp dụng những cách sau để trải qua giai đoạn trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi hay khóc đêm nhẹ nhàng hơn:
- Mẹ tắm nước ấm rồi đặt bé lên khăn tắm mềm, nhẹ nhàng massage để bé cảm thấy dễ chịu và an toàn.
- Mẹ hát hoặc bật cho bé nghe những bài hát có âm điệu nhẹ nhàng và du dương với âm lượng vừa phải. Nếu bé thích tiếng ồn trắng, mẹ hãy bật cho bé nghe mỗi khi đi ngủ.
Mới có một tháng trôi qua mà thôi, con của mẹ vẫn còn là một em bé sơ sinh đang tập làm quen với thế giờ này. Mẹ hãy cứ da tiếp da với bé càng nhiều càng tốt để bé cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ nhé!
Trẻ khóc đêm do bị quá mệt hoặc quá phấn khích
Một số quan điểm cho rằng bé càng ngủ ít vào ban ngày thì ban đêm bé sẽ ngủ bù, do đó muốn bé ngủ nhiều và sâu hơn vào ban đêm thì ngày mẹ cho bé ngủ ít thôi. Vậy nhưng thực tế cho thấy, nếu ban ngày bé không được ngủ đủ, thời gian thức bé thường xuyên bị mệt và cáu gắt thì mẹ dễ phải đối mặt với tình trạng trẻ khóc đêm, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh dậy giữa đêm.
Mẹ cũng có thể thấy trước khi đi ngủ, đặc biệt là giấc đêm, nếu bé chơi rất vui, rất hào hứng thì sau đó sẽ trằn trọc mãi không ngủ được. Dù rất buồn ngủ nhưng trạng thái tinh thần quá kích thích khiến bé không biết cách vào giấc nên càng mệt và quấy khóc nhiều hơn.
Mẹ cần đưa bé vào nếp sinh hoạt EASY 3 để ban ngày bé được ngủ đủ giấc, giúp bé luôn vui vẻ và ngủ sâu giấc vào ban đêm. Đồng thời, mẹ nên chuẩn bị cho bé một trình tự ngủ giấc đêm nhất quán mà trong đó, những hoạt động trước giờ đi ngủ luôn là những hoạt động tĩnh để tránh gây kích thích cho bé như massage nhẹ nhàng, đọc sách, thủ thỉ trò chuyện…
Trẻ sơ sinh khóc đêm khi nào thì cần đến bác sĩ?
Tóm lại, “trẻ sơ sinh hay khóc đêm” không phải là bệnh hay cần chữa trị đặc hiệu, trừ khi các bà mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bé như: khóc kéo dài gần 4 giờ khóc kèm theo sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiêu ra máu, sình bụng, trẻ có biểu hiện mệt lã, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ngược lại, sau những cơn khóc kéo dài, bé trở lại bình thường, vui, khỏe, bú tốt, thì các mẹ cần tự nhủ với mình là mọi việc dần sẽ ổn và cố gắng trấn tĩnh chờ cho 3 tháng đầu đời của bé dần trôi qua.
Nếu đã thử mọi cách trị trẻ sơ sinh khóc đêm nhưng vẫn thấy bé khóc trong khi ngủ kèm theo trạng thái không tỉnh táo, bú kém, thói quen ngủ thay đổi… có lẽ bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra các tình trạng bất thường.
Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.
Nguồn tham khảo: Healthline, Colic