Trẻ Mấy Tháng Biết Nói, 4 Dấu Hiệu Bé Sắp Biết Nói
Cũng như các mốc phát triển khác, từ 12 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về mặt ngôn ngữ. Từ lúc chỉ biết “ê a”, trẻ dần biết nói các từ đơn, từ đôi, đoạn 4 từ rồi cả một câu ngắn, một số trẻ bắt đầu biết kết hợp các câu ngắn thành một câu dài. Tuy nhiên, đối với trẻ chậm nói thì chỉ có thể phát âm được các từ đơn giản. Mẹ hãy theo dõi bài viết sau đây để biết trẻ mấy tháng biết nói và liệu bé yêu nhà mình có biết nói sớm?
Trẻ mấy tháng biết hóng chuyện?
Có thể mẹ không nhận ra nhưng em bé của mẹ đã giao tiếp với mẹ ngay từ khi bé chào đời, bằng những ngôn ngữ không lời như khóc, nhăn mặt hay ưỡn mình, vặn vẹo tay chân. Lúc này khóc chính là cách hiệu quả để bé thể hiện nhu cầu của mình.
Theo thời gian, dần dần mẹ có thể hiểu tiếng khóc của bé có ý nghĩa gì, cũng như biết cách đáp ứng nhu cầu của bé trước khi bé cất tiếng khóc. Việc tương tác thường xuyên và nhất quán với bé ở giai đoạn này rất quan trọng bởi nó không chỉ giúp bé học cách giao tiếp mà còn tạo sự kết nối giữa mẹ và con.
Bên cạnh đó, có một số cách mà bé giao tiếp với mẹ trong những tháng đầu tiên và đây đều là những tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ về sau này của bé. Dưới đây là những điều cần biết về các mốc phát triển ngôn ngữ ban đầu đó:
- Khi được 2 tháng: Bé sẽ bắt đầu quay đầu về phía mẹ hóng chuyện khi mẹ nói và bé cũng có thể bắt đầu tạo ra những âm thanh khác nhau giống như để hưởng ứng. Trẻ 2 tháng biết nói cũng như trẻ 3 tháng biết nói như vậy đó mẹ ạ!
- Khi được 4 tháng: Bé bắt đầu bập bẹ và thậm chí có thể bắt đầu bắt chước một số âm thanh và ngữ điệu mà mẹ đang nói. Bé cũng sẽ phân biệt được tiếng khóc của chính mình để mẹ hiểu bé muốn gì.
- Khi được 6 tháng: Mẹ và bé có vẻ giống như đang giao tiếp với nhau hơn trước. Bé có thể trả lời các câu hỏi và yêu cầu của mẹ bằng những âm thanh cụ thể, đặc biệt là khi được mẹ gọi tên. Ở tầm tháng tuổi này, tiếng bập bẹ của bé sẽ trở nên giống với tiếng nói hơn, với nhiều âm “m” và “b” hơn.
Nhiều bố mẹ khi con đã 2 tuổi mà chưa thể nói ê, a, chưa nói được từ đơn, từ ghép thì có thể vấn đề không chỉ nằm ở giai đoạn 2 tuổi mà có thể nằm ở giai đoạn 0-6 tháng là giai đoạn lắng nghe ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là phương tiện vô cùng quan trọng để biểu đạt tư duy cũng như giao tiếp.
Trẻ mấy tháng biết nói?
Đến sinh nhật 1 tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu nói được từ đầu tiên. Tuy nhiên, một số em bé có thể nói từ đầu tiên của mình sớm hơn hoặc muộn hơn mốc thời gian này. Bởi vậy mẹ đừng quá lo lắng nếu bé 15 tháng chưa biết nói nhé.
Biết nói là một quá trình và chỉ là phần biểu hiện ra bên ngoài của khả năng phát triển ngôn ngữ.
Mẹ sẽ nhận thấy bé hiểu những gì mẹ đang nói. Điều đó thể hiện khả năng tiếp thu ngôn ngữ của bé. Vì vậy, nếu bé chỉ vào đồ vật, hiểu các hướng dẫn đơn giản như “đưa thìa cho mẹ ” và quay đầu lại khi được gọi thì đây chính là những dấu hiệu rất tốt cho thấy bé đang phát triển ngôn ngữ hoàn toàn bình thường.
Những từ đầu tiên thông thường chứa các âm “b,” “d” và “m”, là những âm dễ nói nhất. Vì vậy “mama” hoặc “dada” thường là những từ đầu tiên bé nói.
Dần dần khi bé phát ra những âm thanh này với mức độ nhất quán nhất định, mẹ sẽ nhận ra mỗi âm này đều có liên quan đến một người hoặc một sự vật cụ thể. Theo cách này, bé bắt đầu biết cách sử dụng âm để biểu đạt ý nghĩa. Tầm tuổi này bé cũng có thể chỉ tay và vẫy tay, và bé có thể nói từ này trong khi chỉ tay và ra hiệu, chẳng hạn lắc đầu khi nói “không” hoặc vẫy tay khi nói “tạm biệt”.
Tiến trình học nói của trẻ
1. Giai đoạn sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường bắt đầu bằng cách nói từ đơn, có thể mất vài tuần đến vài tháng bé chỉ nói từ đơn và xây dựng vốn từ vựng đầu đời. Vì đây là bước đầu tiên em bé tập nói chuyện nên có thể không được tròn vành rõ chữ, chẳng hạn “meo” nghĩa là con mèo, “bô-bô” nghĩa là bố… Mẹ đừng vội vàng chú trọng vào việc sửa lỗi cho con nhé. Mẹ chỉ cần nói lại chính xác những gì bé đang nói để làm mẫu chuẩn cho bé tự điều chỉnh mà thôi. Trong khoảng từ 18 tháng đến hai tuổi, hầu hết các bé đều trở nên nhạy cảm hơn về ngôn ngữ. Vốn từ của bé dần được mở rộng.
2. Khoảng 2 tuổi
Bé thực sự bắt đầu “nói” bằng cách xâu chuỗi các từ lại với nhau thành những câu ngắn đơn giản. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), thời điểm này hầu hết trẻ hai tuổi có thể chỉ vào các hình ảnh trong sách, người và đồ vật thông thường và gọi tên chính xác.
Vốn từ của bé lên đến khoảng 50–100 từ và bé bắt đầu biết kết hợp các từ lại với nhau để tạo thành cụm từ như “chơi bóng”. Một số trẻ hai tuổi bắt đầu nói câu có 3 từ, và thậm chí có những bé nói được cả một đoạn ngắn.
3. Khoảng 3 tuổi
Khi lên 3 tuổi, bé bắt đầu hiểu và nói được những khái niệm trừu tượng hơn như mốc thời gian, các từ chỉ địa điểm, xác định vị trí của đồ vật trong không gian, các cảm xúc vui, buồn, lo lắng, sợ hãi…
Tập nói cũng như các mốc phát triển quan trọng khác của trẻ, đều khác nhau ở mỗi bé. Mẹ đừng quá lo lắng khi bé đạt được cột mốc sớm hay muộn. Biết được khi nào bé biết nói, trẻ mấy tháng biết đi hay dấu hiệu trẻ sắp biết bò chỉ là khoảng thời gian trung bình để mẹ có căn cứ hỗ trợ con phát triển tốt nhất có thể.
Dấu hiệu bé sắp biết nói
Kỹ năng tiếp thu (nghe, hiểu) thường phát triển trước kỹ năng diễn đạt (nói chuyện). Do vậy mẹ có thể quan sát những biểu hiện về mặt tiếp thu và nỗ lực phản hồi lại những thông tin mà bé tiếp nhận để nhận biết dấu hiệu bé sắp biết nói. Nếu bé cho mẹ thấy những biểu hiện này càng sớm thì đó cũng là dấu hiệu trẻ biết nói sớm.
1. Dấu hiệu 1 – Cố gắng phát ra âm thanh
Khi trẻ được khoảng 10 tháng tuổi, bé có thể đột ngột phát ra những từ đầu tiên. Thông thường, những từ đầu tiên của họ là ‘Da-Da’ và ‘Ma-Ma’. Những âm thanh này đều ký hiệu cho một hoặc vài ý nghĩa nhất định. Tại thời điểm này, những âm thanh đơn giản như thế này là tất cả những gì bé có thể thực hiện được.
2. Dấu hiệu 2 – Hiểu lời nói của mẹ
Một dấu hiệu rất quan trọng cho thấy bé đang học nói là bé ngày càng hiểu những gì mẹ đang nói. Bé hiểu được các từ đơn giản và thường gặp như mẹ, bố, em bé, giày, quả bóng, nước trái cây, bánh quy… Ngoài ra bé có thể cũng hiểu và nhận biết các thành viên trong gia đình hoặc vật nuôi có tên cụ thể.
3. Dấu hiệu 3 – Đáp lại khi được ai đó vẫy tay ‘tạm biệt’
Bé có thể làm theo những hướng dẫn đơn giản như ‘vẫy tay chào’, lấy cho mẹ bình sữa hoặc “thơm mẹ”. Điều này cho thấy bé không chỉ học được các từ riêng biệt và ý nghĩa của chúng mà còn có thể hiểu được toàn bộ ý tưởng được diễn đạt bằng nhiều từ. Đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ và là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé sắp biết nói.
4. Dấu hiệu 4 – Cố gắng trò chuyện bằng cách nói bập bẹ
Bé cũng có thể nói bập bẹ nói một chuỗi dài như thể đang nói thành câu, bắt chước kiểu nói, nét mặt và giọng nói của người lớn. Mẹ sẽ dễ thấy dấu hiệu này thể hiện ở việc bé bắt chước gọi điện thoại. Tiếng bập bẹ này là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng nói chuyện.
Khi nhận thấy những dấu hiệu này, mẹ hãy kiên trì trò chuyện với bé thật nhiều, lặp lại tên của các đồ vật quen thuộc hoặc chỉ đơn giản là mô tả những gì mẹ đang làm nhé!
Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị. Trẻ sẽ được gặp các Bác sĩ Tâm thần Nhi và các cán bộ tâm lý, thông qua test Denver II để đánh giá 4 lĩnh vực phát triển của trẻ gồm: Vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, cá nhân-xã hội; cùng các trắc nghiệm tâm lý như CARS, CBCL, DBC-P,… để phát hiện chậm nói đơn thuần hay kèm theo các rối loạn tâm lý khác. Từ đó, đưa ra lời khuyên và hướng dẫn tập luyện phù hợp cho từng trẻ.
Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.
Nguồn tham khảo: Baby Talking Timeline