Trẻ Mấy Tháng Biết Đi? Các Mốc Phát Triển Của Bé Từ Bò Đến Biết Đi
Nội dung bài viết
Biết đứng biết đi là cột mốc quan trọng đánh dấu em bé đã có thể tự mình di chuyển một cách độc lập. Nếu mẹ còn đang băn khoăn trẻ mấy tháng biết đứng, trẻ mấy tháng biết đi, bé nhà mình đã sắp biết đi chưa hay có chậm biết đi không? Mẹ hãy đọc bài viết này nhé!
Trẻ mấy tháng biết đứng?

Bé tự đứng dậy từ tư thế ngồi
Theo biểu đồ về đánh giá sự phát triển vận động của Denver II, trẻ sơ sinh có thể đứng với những mốc như sau:
- Đứng, bám tay vào đồ vật trong khoảng từ 6 tháng rưỡi đến 8 tháng rưỡi
- Kéo đến tư thế đứng trong khoảng từ 8 đến 10 tháng
- Tự đứng được tầm 2 giây trong khoảng thời gian từ 9 đến 11 tháng rưỡi
- Tự đứng mà không cần trợ giúp từ 10 tháng rưỡi đến 14 tháng
Mỗi em bé đều có tốc độ phát triển riêng nên không phải tất cả trẻ sơ sinh đều sẽ đạt được những mốc này trong các khung thời gian trên. Biểu đồ cột mốc chỉ đơn giản cho chúng ta biết thời điểm mà 25% đến 90% trẻ sơ sinh thực hiện được những kỹ năng này.
Như vậy cũng có nghĩa là ít nhất 10% trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn một chút để đạt được các mốc đó, trong khi những trẻ khác có thể đứng dậy sớm hơn. Theo thời gian, phần lớn trẻ sơ sinh cuối cùng sẽ đạt được những cột mốc quan trọng này sau vài tuần hoặc một đến hai tháng kể từ khoảng thời gian trên.
Trẻ mấy tháng biết đi?
Hầu hết trẻ sơ sinh bước những bước đầu tiên vào khoảng từ 9 đến 12 tháng và đi tốt khi được 14 hoặc 15 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng giống như các mốc vận động khác, mẹ đừng lo lắng nếu con mất nhiều thời gian hơn một chút. Một số trẻ phát triển hoàn toàn bình thường nhưng vẫn không biết đi cho đến khi được 16 hoặc 17 tháng tuổi.
Trong năm đầu tiên, em bé đang bận rộn phát triển sự phối hợp và sức mạnh cơ bắp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể. Bé sẽ học cách ngồi, lăn và bò trước khi chuyển sang tập kéo và đứng vào khoảng 9 tháng để chuẩn bị cho việc biết đi.
Trẻ biết đi sớm có tốt không?
Phát triển vận động là tiền đề để phát triển trí não. Bởi vậy nếu bé biết đi sớm hay đúng mốc phát triển, bé có nhiều cơ hội hơn để khám phá thế giới xung quanh, mở rộng vùng khám phá, tăng cường liên kết nơron giúp hình thành các loại hình thông minh một cách thuận lợi.
Dấu hiệu trẻ sắp biết đi?

Trẻ mấy tháng biết đi?
1. Bám tay vào đồ vật để đứng lên
Khi bé bắt đầu bám tay vào đồ đạc để kéo mình đứng lên, đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên.
Động tác này giúp bé tăng cường cơ bắp ở chân và củng cố khả năng phối hợp của cả cơ thể. Để mẹ dễ hình dung, tác dụng của động tác này giống như bé đang thực hiện squat vậy đó!
Mẹ có thể khuyến khích bé tập luyện bằng cách nói “lên!” khi bé kéo mình lên và “xuống!” khi bé ngồi xổm xuống sàn.
2. Bé liên tục đi men

Bé tập đi men bằng cách bám tay vào đồ vật
Mẹ có thể thấy bé liên tục vừa đi vừa bám vào các đồ vật xung quanh, bé loay hoay với tay ra các phía để tìm chỗ bám tay thật chắc chắn rồi bám vào để đi men theo. Với động tác này, bé đang học cách chuyển trọng tâm cơ thể và giữ thăng bằng là yếu tố quan trọng của việc đi bằng hai chân.
Mẹ nên sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để bảo đảm an toàn và tạo điều kiện để bé bám vào và di chuyển.
3. Bé khó vào giấc, hay dậy giữa đêm và quấy khóc
Biết đi là cột mốc vận động quan trọng và thường đi kèm với các bước phát triển nhảy vọt khác. Bộ não và cơ thể của bé phải hoạt động với cường độ cao hơn, khiến cho khả năng chịu đựng kém hơn một chút. Bé cũng đang tập đi ngay cả trong những giấc ngủ.
Mẹ hãy thông cảm với bé nhé, hít thở thật sâu và tin rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau khi bé hoàn thành những kỹ năng mới.
4. Bé có thể đi với sự trợ giúp
Bé thích bám vào xe đẩy đồ chơi hoặc thùng chứa đồ hay bất cứ món gì có thể bám vào và đẩy chúng di chuyển. Bé có thể vừa bước đi vừa thử nghiệm với sự thay đổi tốc độ. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đang tích cực tập đi.
5. Bé có thể tự đứng dậy từ tư thế ngồi
Lúc này, bé đã có sự cân bằng và đủ vững vàng để tự đứng vững. Khi đứng được trong khoảng thời gian dài hơn, bé được thúc đẩy sự tự tin để tiến thêm một bước nữa. Mẹ có thể tập đứng cho bé bằng cách nắm tay kéo bé đứng dậy khi bé đang ngồi.
6. Bé mới biết đi chân không thẳng?
Đa số các trường hợp chân của bé bị cong là bình thường. Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh là bởi tư thế của thai nhi nằm trong bụng mẹ. Khi trẻ lớn dần, chân sẽ trở lại bình thường mà không cần tác động gì. Khi bé vận động một cách tự nhiên và đi nhiều, xương của bé sẽ tự điều chỉnh.
Bé nhà bạn có đang chậm đi?
1. Bé 1 tuổi chưa biết đi có sao không?
Sinh nhật 1 tuổi của bé là sự kiện quan trọng đối với cả gia đình. Đây cũng là thời điểm bé đang phát triển mạnh mẽ về mọi khía cạnh. Bở vậy bé có thể đạt được nhiều dấu mốc ở mặt này và chưa tập trung để phát triển ở mặt khác, trong đó có mốc biết đi. Mẹ đừng quá lo lắng nếu bé 1 tuổi chưa biết đi nếu bé vẫn vui vẻ và khỏe mạnh nhé!
2. Bé 14 tháng chưa biết đi
Nếu em bé của mẹ vẫn không biết đi sau 14 tháng, mối quan tâm của mẹ là điều dễ hiểu. Mẹ luôn muốn con mình đạt được những cột mốc quan trọng, và không muốn bé bị tụt hậu so với những đứa trẻ khác cùng tuổi.
Để xác định xem bé không đi được có phải là nguyên nhân đáng lo ngại hay không, mẹ hãy quan sát bé một cách tổng thể. Ví dụ, mặc dù không biết đi lúc 14 tháng, nhưng bé vẫn có thể thực hiện các kỹ năng vận động khác như đứng một mình, kéo đồ đạc và bật lên xuống. Đây là những dấu hiệu cho thấy các kỹ năng vận động của bé đang phát triển. Bé sẽ sớm biết đi thôi mẹ à!
Mẹ cũng nên cho bé đi khám nếu cảm thấy các kỹ năng vận động của bé không phát triển đúng cách như không thể đứng, kéo người lên hoặc ngồi dậy.
3. Bé 15-16 tháng chưa biết đi
Mẹ nên tiếp tục theo dõi sự tiến triển các kỹ năng vận động của bé.
Ngoài ra một số trẻ sinh non bắt đầu biết đi muộn hơn so với trẻ cùng tuổi. Nếu bé sinh non, mẹ cần tính tháng tuổi thực của bé khi theo dõi các mốc phát triển. Độ tuổi thực được điều chỉnh dựa trên ngày dự sinh ban đầu của bé. Ví dụ nếu bé 15 tháng nhưng bạn sinh sớm 3 tháng thì độ tuổi thực của bé là 12 tháng. Trong trường hợp này, bé có thể mất thêm 2-3 tháng để học cách giữ thăng bằng để biết đi.
4. Bé 17-18 tháng chưa biết đi
Việc bé chưa biết đi ở tầm tháng tuổi này có thể được xếp vào loại bất thường nhưng có thể bình thường.
Nếu bé đang phát triển bình thường về ngôn ngữ, vận động tinh và kỹ năng xã hội, có thể là bé chưa có đủ sự khuyến khích hoặc được tạo cơ hội.
Nếu bé vẫn không có hứng thú với việc tập đi khi được mẹ khuyến khích di chuyển về phía trước, mẹ nên cho bé đi khám để được tư vấn cụ thể. Từ đó có giải pháp can thiệp kịp thời để hỗ trợ bé.
5. Bé 19-20 tháng chưa biết đi
Biết đi muộn thường không có lợi cho sức khỏe và có thể liên quan đến các vấn đề phát triển như khuyết tật trí tuệ. Do đó nếu bé ở tầm tháng tuổi này mà vẫn chưa biết đi, mẹ cần cho bé đi khám ngay để xác định được nguyên nhân một cách chính xác. Không có gì là quá muộn khi mẹ luôn ở bên đồng hành cùng bé.
Bé chậm biết đi nên bổ sung gì?
Bé chậm biết đi có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể chỉ là bé chưa sẵn sàng cho việc tự đi một cách độc lập. Việc vô tình bổ sung quá nhiều một loại vitamin hay thực phẩm chức năng chưa được bác sĩ chỉ định đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lâu dài của bé. Bởi vậy nếu bé 18 tháng tuổi chưa có hứng thú với việc đi và không tự đi khi được 2 tuổi thì mẹ nên cho bé đi khám chuyên khoa để xác định được nguyên nhân. Lúc này, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cũng như lời khuyên giúp mẹ hỗ trợ bé tập đi một cách hiệu quả.
Mẹo chữa bé chậm biết đi?
Mẹo làm sao để trẻ nhanh biết đi chỉ đơn giản là khuyến khích bé tập đi nhiều hơn nữa mà thôi. Mẹ có thể nắm tay bé khi bé đang ở tư thế đứng rồi từ từ kéo tay để hướng cho bé nhấc chân và di chuyển. Từ đó giúp bé phát triển cơ chân khỏe hơn và cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
Mẹ có nhu cầu tự nhiên muốn bế con, nhất là khi mẹ phải đi làm và ít có thời gian dành cho bé. Nhưng thời gian hoạt động tự do trên sàn càng nhiều càng thúc đẩy bé tìm cách dịch chuyển, trong đó có khả năng đi một cách độc lập. Vậy nên mẹ hạn chế bế ẵm để bé được kích thích vận động một cách tự nhiên.
Nhiều gia đình thường được sử dụng xe tập đi, phổ biến nhất là xe tròn. Tuy nhiên, xe tập đi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mà còn có thể trì hoãn việc bé tập đi. Mẹ nên cân nhắc việc sử dụng xe tròn và lựa chọn xe tập đi phù hợp với khả năng hiện tại của bé.
Ngoài ra nhiều mẹ thường nghĩ xỏ giày vào chân cho bé có thể giúp bé đi nhanh hơn. Sự thật là, những đôi giày thường khiến các bé khó khăn hơn trong những bước đi đầu tiên. Bé học được cách đi nhanh hơn khi đi chân trần bởi giai đoạn tập đi cũng là giai đoạn bé phát triển giác quan mạnh mẽ. Mẹ nên cho bé tập đi chân trần trên các bề mặt đem lại trải nghiệm đa dạng phong phú như nền gạch thô ráp, sàn gỗ nhẵn mịn, bãi cát, bờ cỏ…
Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị. Trẻ sẽ được gặp các Bác sĩ Tâm thần Nhi và các cán bộ tâm lý, thông qua test Denver II để đánh giá 4 lĩnh vực phát triển của trẻ gồm: Vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, cá nhân-xã hội; cùng các trắc nghiệm tâm lý như CARS, CBCL, DBC-P,… để phát hiện chậm nói đơn thuần hay kèm theo các rối loạn tâm lý khác. Từ đó, đưa ra lời khuyên và hướng dẫn tập luyện phù hợp cho từng trẻ.
Nguồn tham khảo: 6 Signs Baby Will Walk Soon and How to Encourage Walking