Trẻ Chậm Nói: Nguyên Nhân Và Dấu Hiệu Trẻ Chậm Nói

Chậm nói là tính trạng phổ biến nhất trong các mốc vận động quan trọng của trẻ. Trẻ chậm nói do nhiều nguyên nhân, có thể do có vấn đề ở cơ quan phát âm hay do sự tác động của các yếu tố tâm lý, giáo dục gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Vậy trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không? Dấu hiệu của trẻ chậm nói là gì? Và trẻ chậm nói mẹ phải làm sao? Mẹ hãy theo dõi bài viết này nhé!

Như thế nào là trẻ chậm nói?

Chỉ khi nào bé nói ít hơn 10 từ ở độ tuổi từ 18 đến 20 tháng hoặc ít hơn 50 từ khi từ 28 đến 30 tháng tuổi, thì mới liệt vào nhóm 'trẻ chậm nói'.

Chỉ khi nào bé nói ít hơn 10 từ ở độ tuổi từ 18 đến 20 tháng hoặc ít hơn 50 từ khi từ 28 đến 30 tháng tuổi, thì mới liệt vào nhóm ‘trẻ chậm nói’.

Kỹ năng nói và khả năng về ngôn ngữ bắt đầu từ những tiếng bập bẹ hóng chuyện đầu tiên của trẻ sơ sinh. Dần dần, trải qua quá trình học nói, những tiếng bật âm này phát triển thành những từ dễ nghe, dễ hiểu đầu tiên, rồi ghép thành cụm từ và sau đó là câu hoàn chỉnh.

Chậm nói là khi trẻ chưa đạt được các mốc phát triển điển hình về khả năng nói theo độ tuổi. Chỉ khi nào bé nói ít hơn 10 từ ở độ tuổi từ 18 đến 20 tháng hoặc ít hơn 50 từ khi từ 28 đến 30 tháng tuổi, thì mới liệt vào nhóm ‘trẻ chậm nói’.

Mỗi trẻ sơ sinh có tốc độ phát triển riêng của mình, do vậy đây chỉ là các mốc nói chung. Bé chậm nói có thể chỉ đơn giản là bé chưa sẵn sàng, bé bận rộn với việc hoàn thành những kỹ năng khác và cần nhiều thời gian hơn một chút. Chậm nói trong trường hợp này chỉ là tạm thời. Mẹ cần kiên nhẫn và tạo điều kiện cho bé tập nói nhiều hơn.

Bên cạnh đó bé có thể chậm nói do nhiều nguyên nhân khác và cần có sự can thiệp của các chuyên gia. Những nguyên nhân này có thể chia thành 2 nhóm chính:

  • Nguyên nhân sinh lý: Trẻ chậm nói do gặp vấn đề về các cơ quan tham gia vào quá trình giao tiếp mất thính giác, dị tật ở thanh quản, não bị dị tật bẩm sinh, những di chứng do viêm màng não…
  • Nguyên nhân tâm lý: Việc tương tác với môi trường và người chăm sóc có những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý khiến trẻ chậm nói.

Nhiều dạng chậm nói có thể được điều trị hiệu quả. Mẹ có thể cho bé đi khám để có sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Tuỳ theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có can thiệp phù hợp để cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ.

Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không?

Bé chậm nói tạm thời và trong độ tuổi còn nhỏ, khi chỉ tiếp xúc trong môi trường gia đình, việc chậm nói có thể không gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi trẻ đến tuổi đi học mầm non trở lên, mối quan hệ xã hội được mở rộng, việc chậm nói bắt đầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển chung của bé:

  • Hạn chế trong giao tiếp hàng ngày
  • Khó khăn trong việc thể hiện bản thân và khả năng hòa đồng
  • Ảnh hưởng đến quá trình học tập
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý

Dấu hiệu của trẻ chậm nói

Khoảng 15% - 25% trẻ em gặp phải tình trạng rối loạn giao tiếp hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa khác

Khoảng 15% – 25% trẻ em gặp phải tình trạng rối loạn giao tiếp hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa khác

Phát triển ngôn ngữ bao gồm 2 quá trình: tiếp nhận thông tin (nghe, hiểu) và diễn đạt ra bên ngoài (nói và các hình thức diễn đạt không lời)

Trẻ chậm nói có thể cố gắng nói nhưng gặp khó khăn trong việc hình thành âm thanh chính xác để tạo thành từ hoặc câu.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm chính xác nhưng khó khăn trong việc ghép nối các từ để tạo thành cụm từ hoặc câu có nghĩa. Hay nói cách khác trẻ có thể nói nhưng rất khó hiểu. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu người khác đang nói gì

Trẻ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ thường khó phân biệt và có những biểu hiện theo độ tuổi như sau:

1. Trẻ 0-2 tuổi chậm nói

Mẹ hãy để ý xem bé có bập bẹ hóng chuyện khi được 2 tháng không? Trẻ sơ sinh ít nói chuyện có thể là dấu hiệu sớm nhất của tình trạng chậm nói. Đến 18 tháng, hầu hết các bé có thể sử dụng những từ đơn giản như “mama” hoặc “dada”.

2. Trẻ trên 2 tuổi chậm nói

  • Bé không nói được khoảng 50 từ
  • Bé không biết kết hợp hai hay nhiều từ với nhau hoặc kết hợp danh từ với động từ. Ví dụ: “Uống thêm”, “Mẹ giúp”…
  • Bé chỉ bắt chước nói lại các từ hoặc cụm từ mà người khác vừa nói, mà không phải xuất phát từ nhu cầu của bé.
  • Bé có vẻ không hiểu các hướng dẫn hoặc câu hỏi đơn giản. Ví dụ: “Con lấy cái mũ cho mẹ nhé”, “Con ngồi xuống đây nhé”, “Con muốn chơi ô tô hay xếp hình?”

3. Trẻ 3 tuổi chậm nói

  • Bé không nói được khoảng 200 từ
  • Bé không kết hợp các từ để tạo thành cụm 3 từ hoặc câu dài hơn. Ví dụ: “Muốn uống thêm”, “Mẹ giúp con”, “ô tô màu xanh”
  • Bé có vẻ không hiểu các hướng dẫn hoặc câu hỏi dài hơn. Ví dụ: ‘Con lấy giày và cất vào tủ nhé”, “Con vào phòng ngủ và lấy mũ cho mẹ nhé”
  • Bé ít hoặc không quan tâm đến sách, tranh ảnh
  • Bé không đặt câu hỏi, chẳng hạn: “Bố đâu rồi?”, “Cái gì đây?”

4. Trẻ 4 tuổi chậm nói

Nếu bé đến giai đoạn này nhưng vẫn chậm nói mà không phải do những nguyên nhân như rối loạn phổ tự kỷ (ASD) hoặc mất thính giác…, thì bé có thể bị rối loạn phát triển ngôn ngữ.

Trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ có thể có các dấu hiệu sau:

  • Bé không thích học từ mới và trò chuyện với mọi người
  • Bé thường chỉ sử dụng các câu ngắn, đơn giản và thường bỏ đi những từ quan trọng trong câu
  • Khi được hỏi, bé chỉ trả lời một phần của câu hỏi
  • Bé gặp khó khăn khi lựa chọn các từ phù hợp để diễn đạt và hay sử dụng các từ chung chung như “cái đó”, “các thứ”… để thay thế
  • Khi nghe kể chuyện, bé có thể không hiểu ý nghĩa của câu chuyện.

Trẻ chậm nói phải làm sao?

Cách dạy trẻ chậm nói chủ yếu là tăng cường giao tiếp nhiều hơn với bé

Cách dạy trẻ chậm nói chủ yếu là tăng cường giao tiếp nhiều hơn với bé

Khi bé chậm nói, hẳn là mẹ cảm thấy rất sốt ruột và bối rối trong việc xác định nguyên nhân dẫn đến việc này. Mẹ có thể cho bé đi khám để có giải pháp phù hợp và kịp thời. Dù bé chậm nói do nguyên nhân nào thì sự đồng hành, hỗ trợ của mẹ luôn có ý nghĩa và hiệu quả rất lớn đối với bé.

Về cơ bản, cách dạy trẻ chậm nói chủ yếu là tăng cường giao tiếp nhiều hơn với bé. Ngoài ra, trong quá trình giao tiếp, mẹ chú ý đến thái độ, cách tương tác mang tính gợi mở để khuyến khích bé tập nói.

Tương tác nhiều hơn với bé

  • Mẹ hãy để nói chuyện trực tiếp với con trở thành một thói quen mỗi ngày. Mẹ đừng vội lo lắng nói nhiều thế thì không biết phải nói gì, nói như thế nào? Rất đơn giản thôi, mẹ chỉ cần mô tả lại những việc mẹ đang làm, hoặc kể lại những chuyện đã xảy ra sáng nay hay những dự định sẽ làm vào cuối tuần.
  • Mẹ chỉ vào đồ vật khi nói các từ tương ứng. Đó có thể là các bộ phận cơ thể, người, đồ chơi, màu sắc hoặc bất kỳ thứ gì mẹ và bé nhìn thấy khi đi dạo quanh khu nhà.
  • Mẹ đừng quên dành thời gian đọc sách cho bé mỗi ngày. Đọc sách không chỉ giúp bé xây dựng vốn từ, hiểu biết về thế giới xung quanh mà còn hình thành thói quen tốt về sau này.
  • Mẹ có thể hát những bài hát đơn giản, nhịp điệu lặp lại để thu hút bé.

Khuyến khích bé nói nhiều hơn

  • Điều quan trọng nhất khi tương tác với bé là mẹ cần dành sự quan tâm đầy đủ và trọn vẹn cho con. Khi bé cố gắng nói chuyện, mẹ hãy kiên nhẫn chờ bé diễn đạt.
  • Ngay cả khi đoán trước được nhu cầu của bé, mẹ hãy cho bé cơ hội để tự nói ra mong muốn của mình.
  • Mẹ có thể khuyến khích bé nói bằng cách đặt câu hỏi dưới dạng lựa chọn, và cho bé thời gian để trả lời. Ví dụ: “Con muốn mặc áo màu xanh hay màu đỏ?”

Trường hợp bé nói ngọng, nói không chính xác

Mẹ chỉ cần lặp lại những từ/cụm từ mà bé phát âm sai, một cách chính xác để làm mẫu chuẩn cho bé, thay vì yêu cầu bé sửa lỗi ngay lúc đó.

Cho bé cơ hội mở rộng giao tiếp

  • Mẹ tạo điều kiện cho bé được giao tiếp với nhiều người, đặc biệt những bạn có khả năng ngôn ngữ tốt.
  • Khi ai đó đặt câu hỏi cho bé, mẹ chú ý đừng trả lời thay mà khuyến khích, gợi mở bé tự trả lời.

Trẻ chậm nói đơn thuần

Theo các nghiên cứu thống kê, có khoảng 15% – 25% trẻ em gặp phải tình trạng rối loạn giao tiếp hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa khác. Bé trai có xu hướng phát triển các kỹ năng ngôn ngữ muộn hơn một chút so với bé gái. Chỉ khi nào bé nói ít hơn 10 từ ở độ tuổi từ 18 đến 20 tháng hoặc ít hơn 50 từ khi từ 28 đến 30 tháng tuổi, thì mới liệt vào nhóm ‘trẻ chậm nói’.

Trẻ chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính chất tạm thời, việc này có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình. Cha mẹ cần động viên trẻ tập nói bằng những cử chỉ hoặc âm thanh, cần phải dành nhiều thời gian chơi với con, đọc sách và nói chuyện với trẻ mỗi ngày.

Trong một số trường hợp,trẻ chậm nói có thể cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế. Đôi khi, trẻ chậm nói lại có thể là dấu hiệu báo động cho những rắc rối nghiêm trọng hơn. Những rắc rối thường đi kèm với trẻ chậm nói có thể kể đến như: mất thính lực, chậm phát triển trong các lĩnh vực khác hoặc thậm chí là bệnh tự kỷ trẻ em. Chứng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ cũng có thể là biểu hiện của bệnh khó học, chỉ có thể được chẩn đoán khi trẻ đến tuổi đi học.

Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị. Trẻ sẽ được gặp các Bác sĩ Tâm thần Nhi và các cán bộ tâm lý, thông qua test Denver II để đánh giá 4 lĩnh vực phát triển của trẻ gồm: Vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, cá nhân-xã hội; cùng các trắc nghiệm tâm lý như CARS, CBCL, DBC-P,… để phát hiện chậm nói đơn thuần hay kèm theo các rối loạn tâm lý khác. Từ đó, đưa ra lời khuyên và hướng dẫn tập luyện phù hợp cho từng trẻ.

Nguồn tham khảo: Delayed Speech or Language Development

HiChiu
Logo