Tìm Hiểu Giai Đoạn Bé Biếng Ăn (Lười Ăn)? Nguyên Nhân Và Cách Hỗ Trợ Bé
Nội dung bài viết
Mẹ có đang cảm thấy chán nản và bế tắc vì bé biếng ăn (lười ăn)? Mẹ có đang hằng ngày ngồi bên con, ép con ăn từng thìa thức ăn nhưng con lại lắc đầu từ chối? Mẹ có biết vì sao bé biếng ăn? Làm thế nào với bé không chịu ăn dặm?
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé biếng ăn, chỉ ra những sai lầm mà ba mẹ thường gặp phải và đưa ra giải pháp giúp bé ăn tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Ba mẹ đồng hành cùng HiCHiu nhé!

Mẹ có biết vì sao bé biếng ăn? Làm thế nào với bé không chịu ăn dặm?
1. Vì sao bé biếng ăn (lười ăn)?
Biếng ăn sinh lý ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mẹ tham khảo các nguyên nhân dưới đây để phần nào biết được vì sao bé biếng ăn nhé!
Bé chưa sẵn sàng ăn dặm
Thông thường, các bé được làm quen với chế độ ăn dặm từ 5-6 tháng và đến 7 tháng tuổi là đã ăn tương đối tốt. Nhưng không phải bé nào cũng vậy. Mỗi em bé có tốc độ và đặc điểm phát triển riêng. Vẫn có những trẻ 7 tháng tuổi không chịu ăn dặm đó mẹ nhé! Bé có thể chưa quen với cảm giác khi có thức ăn trong miệng.
Thức ăn dặm là một thứ gì đó quá mới mẻ và xa lạ đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, nếu sau 7 tháng tuổi bé biếng ăn thì mẹ hãy cho bé thêm thời gian để thích ứng thay vì thúc ép bé ăn bằng được.
Bé gặp vấn đề về sức khỏe
- Mọc răng: Đây là thủ phạm đầu tiên mẹ có thể nghĩ đến khi bé từ chối ăn. 6-7 tháng là giai đoạn bé bứt rứt không yên cả ngày lẫn đêm bởi những chiếc răng đầu tiên đang nhú khiến nướu và lợi bé sưng đau. Cộng thêm với biểu hiện liên lục cho tay vào miệng, thậm chí cả bàn tay và nước dãi liên tục chảy, mẹ có thể chắc chắn nguyên nhân tại sao bé bỗng nhiên không chịu ăn rồi. (Nếu biết bé mọc răng lười ăn thì mẹ không cần lo lắng quá, mà trước tiên hãy tìm hiểu các biện pháp giúp bé giảm cảm giác đau ở vùng nướu.)
- Bé bị ốm, sốt:
- Cảm lạnh hay viêm nhiễm đều có thể khiến bé mệt mỏi và ốm sốt. Người lớn chúng ta cũng vậy mà, khi mệt mỏi khó chịu trong người, chúng ta chỉ cố gắng ăn vì sức khỏe mà không thấy ngon miệng. Em bé còn quá nhỏ chưa thể có ý thức về chuyện “ăn uống vì sức khỏe” nên bé từ chối thức ăn là bình thường, đúng không mẹ?
- Bé bị đau bụng và các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, trào ngược dạ dày – thực quản. Những vấn đề này hoàn toàn có thể khiến bé lười ăn.
Mẹ cho bé ăn sai cách

Mẹ cho bé ăn sai cách, kết hợp ăn sữa – ăn dặm không phù hợp.
- Mẹ cho bé ăn quá nhiều sữa hoặc đồ ăn dạng lỏng. Nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều sữa hoặc nước trái cây pha loãng hay nước lọc… bé sẽ no bụng mà từ chối ăn dặm.
- Mẹ kết hợp cho bé ăn sữa – ăn dặm không phù hợp. Ăn dặm là một cuộc trải nghiệm, khám phá những kết cấu và hương vị của thức ăn. Nếu bé quá đói bụng, bé không còn háo hức khám phá bất cứ thứ gì. Khi mẹ mời bé ăn dặm vào thời điểm này, bé sẽ cáu kỉnh từ chối. Ngược lại, bé ăn quá nhiều sữa trước khi ăn dặm thì sẽ không còn chỗ để tiếp nhận thức ăn dặm.
- Lịch sinh hoạt không phù hợp. Dạ dày của bé vẫn còn rất nhỏ và chưa phát triển hoàn thiện. Lịch ăn dặm quá dày có thể khiến bé lười ăn trong bữa do chưa tiêu hóa hết thức ăn từ trước. Ngoài ra, lịch sinh hoạt cũng bao gồm sắp xếp giờ chơi để bé có thời gian vận động thể chất giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
- Món ăn lặp đi lặp lại. Điều này sẽ khiến bé không còn háo hức khám phá, bé sẽ càng biếng ăn hơn. Vì vậy, mẹ hãy sáng tạo trong cách chế biến cũng như trang trí món ăn thật bắt mắt để kích thích khẩu vị của bé nhé!
2. Ba mẹ có đang xử lý đúng cách khi bé biếng ăn?
Đối mặt với tình trạng bé biếng ăn (lười ăn), ba mẹ đã xử lý như thế nào? Trong quá trình chăm sóc bé, một số hoạt động được thực hiện chưa đúng cách đã vô tình trở thành nguyên nhân khiến bé biếng ăn hơn, thời gian lười ăn kéo dài. Đó là điều ba mẹ có thể kiểm soát và tự mình điều chỉnh.
Nếu xử lý sai cách có thể khiến tình trạng bé biếng ăn càng kéo dài và sẽ khó cải thiện hơn. Dưới đây là một số sai lầm mà ba mẹ hay mắc phải, dễ khiến bé lười ăn hơn. Mẹ tham khảo và đừng để mình mắc phải nhé!

Ba mẹ có đang xử lý đúng cách khi bé biếng ăn?
Dỗ bé ăn bằng cách đánh lạc hướng
Khi bé ăn chậm, không chịu ăn, nhiều gia đình sẽ dỗ bé ăn bằng cách hướng sự chú ý của bé vào một việc khác. Chẳng hạn cho bé xem các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, ipad… hoặc cho bé đi ăn rong, hoặc thậm chí cả nhà múa may phụ họa trong giờ ăn. Việc bé ăn một cách vô thức như vậy không chỉ hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức và giác quan của bé.
Ngoài ra, khi bé ăn không tập trung, các loại men tiêu hóa cũng không được tiết ra một cách tự nhiên. Từ đó các chất dinh dưỡng không được hấp thu tối ưu. Như vậy thì khó có thể cải thiện tình trạng bé 7 tháng lười ăn.
Gây áp lực ăn uống bằng dọa nạt, quát mắng
Trẻ sẽ giảm dần lượng sữa tiêu thụ từ tháng thứ 7, tuy nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp sang ăn dặm, bé không chịu ăn sẽ khiến mẹ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng cho cân nặng và sức khỏe của con. Khi mẹ không kiềm chế nổi bản thân mà cáu giận rồi quát mắng, thậm chí đánh bé để ép bé ăn. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bé, trong nhiều trường hợp bé bị mắc thêm chứng biếng ăn tâm lý khiến câu chuyện biếng ăn càng trở nên nan giải.
Đổi mới món ăn, tránh đồ ăn gia vị mặn
Có thể mọi người trách mẹ để bé ăn quá nhạt thế thì sao mà ăn được. Vậy nhưng vị giác của bé đang rất nhạy cảm. Cách bé cảm nhận hương vị đồ ăn khác với người lớn chúng ta. Hơn nữa, trong thực phẩm tự nhiên đã có chứa hàm lượng muối đường nhất định rồi mẹ ạ. Việc nêm nếm gia vị ngoài việc tác động xấu đến thói quen ăn uống của bé còn gây quá tải cho các chức năng của gan, thận. Đây cũng là lý do chính dẫn đến trẻ không chịu ăn bột mặn đó mẹ!
Để trả lời cho các câu hỏi bé không chịu ăn dặm phải làm sao? Bé không chịu ăn bột mặn? Bé không chịu ăn dặm chỉ bú mẹ? Mẹ có thể chỉ cần kiên nhẫn làm theo các giải pháp dưới đây bé sẽ cải thiện lượng ăn, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn sau này nữa mẹ nhé!
3. Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Cùng bé dần cải thiện khối lượng ăn, ăn nhiều hơn, đầy đủ và ngon miệng hơn.
Nhiều mẹ được truyền tai nguyên nhân khiến bé lười ăn (biếng ăn) là do thiếu vi chất. Nên bổ sung thực phẩm chức năng khi bé biếng ăn bằng các loại siro, vitamin tổng hợp?
Câu trả lời là KHÔNG. Bé còn rất nhỏ, các cơ quan và chức năng trong cơ thể đang trong quá trình hoàn thiện. Quá nhiều dưỡng chất cũng là một gánh nặng cho cơ thể của bé, khi hệ tiêu hóa phải làm việc quá nhiều.
Ba mẹ nên xem xét kỹ các nguyên nhânkhiến bé biếng ăn ở trên để tìm ra hướng giải quyết phù hợp với trình trạng của con. Khi đã loại trừ, mẹ chỉ nên bổ sung sau khi đưa bé đi khám dinh dưỡng và có sự hướng dẫn, chỉ định cụ thể từ bác sĩ. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bé biếng ăn (lười ăn) như sau:
- Vấn đề sức khỏe: Nếu đây là nguyên nhân chính thì mẹ nên chế biến các món ăn dạng lỏng giúp bé dễ tiêu hóa. Trong những ngày này, mẹ tuyệt đối không ép bé ăn, chỉ khuyến khích bé ăn một cách vui vẻ sao cho không khí giờ ăn thoải mái nhất có thể.
- Vấn đề giai đoạn phát triển, lứa tuổi: Nếu đây là giai đoạn bé 6 đến 7 tháng tuổi, bé chuyển từ ăn sữa sang tập ăn dặm, mẹ hãy tham khảo các lưu ý sau đây nhé:
- Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: Giai đoạn này, bé đang làm quen với việc ăn dặm, các loại rau củ quả là lựa chọn tối ưu do có nhiều vitamin và chất xơ phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Đồng thời, mẹ hãy tận dụng vị ngọt tự nhiên của các loại rau củ quả giúp bé ăn ngon miệng hơn, thay vì sử dụng các loại gia vị mẹ nhé.
- Thực đơn đa dạng và cân bằng: Hãy cho bé được trải nghiệm các kết cấu, hình dạng khác nhau của đồ ăn, từ loãng, sệt, đặc dần cho đến cắt thanh, cắt miếng. Trải nghiệm món mới đối với bé thường đi kèm với “chiến trường” lem nhem và lộn xộn. Mẹ hãy dành thời gian và kiên nhẫn một chút để bé khám phá thế giới đồ ăn thú vị này theo cách mà bé muốn nhé!
- Bổ sung sữa cho bé: Vì bé biếng ăn, không ăn được thì cần bổ sung thêm sữa để bù đắp lại. Tuy nhiên, ba mẹ chỉ áp dụng cách này với bé dưới 1 tuổi. Thay vì chú tâm vào việc cho trẻ uống sữa gì nếu trẻ biếng ăn, thì cách tốt nhất mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn dặm đúng cách để đảm bảo lợi ích mãi mãi sau này nữa. Khi bé hơn 12 tháng tuổi, hệ tiêu hóa đã đủ hoàn thiện để thực phẩm mới là nguồn dinh dưỡng chính, sữa không còn đáp ứng được các vi chất và nhu cầu đa dạng dinh dưỡng của con.
- Mẹ quan sát bé để sắp xếp lịch ăn phù hợp: Nếu bé theo EASY thì hẳn mẹ đã biết ăn ngủ và chơi có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào. Bởi vậy, mẹ hãy quan sát nhu cầu của bé để sắp xếp thời gian sao cho bé được ngủ đủ giấc và vận động thể chất phù hợp.
- Kiên nhẫn khi bé từ chối ăn: Bé có thể không thích một món ăn cụ thể nào đó, nhưng mẹ đừng loại món đó ra khỏi thực đơn nhé. Trẻ sơ sinh thích nghi với hương vị mới một cách từ từ, bởi vậy mẹ nên thử lại nhiều lần vào những ngày khác nhau. Theo thời gian, bé sẽ làm quen với hầu hết các loại thức ăn lành mạnh và không kén ăn. Mẹ hãy tìm hiểu xem bé ăn khác ăn được và thích món gì. Sau đó, quan sát xem bé nhà mình có thích những món đó không.
Dù mất kiên nhẫn với tình trạng bé biếng ăn (lười ăn) thế nào đi chăng nữa thì mẹ luôn nhớ tuyệt đối kiên trì và làm theo các bước như trên, giúp đỡ bé vượt qua một giai đoạn khó khăn đầu đời. Biếng ăn cũng là một trong những điều vô cùng bình thường mà mọi mẹ và bé đều phải trải qua. Mẹ đừng quá lo lắng hoặc tỏ ra khó chịu mà hãy bình tĩnh quan sát để tìm ra cách hỗ trợ tốt nhất cho con!
Nguồn tham khảo: Babycenter