Những nguyên nhân phổ biến khiến bé khó vào giấc ngủ
Nội dung bài viết
Giấc ngủ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sự phát triển mạnh mẽ của các tế bào não chỉ diễn ra trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt là khi trẻ đang ngủ. Giấc ngủ ban đêm và ban ngày liên quan chặt chẽ đến nhau và tác động trực tiếp đến lịch sinh hoạt tổng thể của trẻ.
Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ cũng ngủ ngon lành thẳng giấc. Khi thì trẻ khó vào giấc ban ngày, lúc bé khó vào giấc ngủ về đêm và ở mỗi lứa tuổi, mỗi giai đoạn phát triển lại có những nguyên nhân khác nhau và ba mẹ cần phải linh hoạt trong cách xử lý.

Bé khó ngủ có phải do thiếu chất không, tại sao trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban ngày hay bé lăn lộn trằn trọc vào ban đêm?
Nguyên nhân khiến bé khó ngủ
Khi bé khó ngủ, mẹ sẽ có nhiều thắc mắc cũng như tìm hiểu các nguyên nhân để giúp bé dễ vào giấc ngủ hơn, ngủ ngon hơn, vậy bé khó ngủ có phải do thiếu chất hay thiếu canxi không, tại sao trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban ngày hay bé lăn lộn trằn trọc vào ban đêm? Bạn cùng Hichiu tìm hiểu một vài nguyên nhân khiến bé trằn trọc khó ngủ nhé:
Bé gặp vấn đề sức khỏe:
Khi cơ thể không khỏe, dù là người lớn, trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ đều cảm thấy khó chịu, ăn không ngon và ngủ không yên. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng chưa hoàn thiện, bé dễ mắc phải các bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Lúc này cơ thể bị ốm sốt và mệt mỏi khiến bé trằn trọc khó ngủ.
Bên cạnh đó, 3 năm đầu đời là giai đoạn những chiếc răng sữa lần lượt mọc lên khiến lợi của bé liên tục sưng đau. Những cơn đau răng luôn là một trong những “thủ phạm” hàng đầu làm gián đoạn giấc ngủ và khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ.
Môi trường ngủ không được bảo đảm:
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, quần áo không thoải mái, bỉm không sạch… đều có tác động trực tiếp đến giấc ngủ của bé.
Ngoài ra, môi trường ngủ không có sự khác biệt giữa ban đêm và ban ngày khiến trẻ sơ sinh dễ bị lẫn lộn ngày và đêm. Ví dụ ban ngày khi bé ngủ mẹ vẫn tắt đèn tối hoàn toàn như ban đêm, hoặc giấc đêm của bé bị quấy rầy bởi tiếng ồn đến từ hoạt động của các thành viên khác trong gia đình). Bé không nhận biết được ban ngày là để tập trung ăn uống nạp năng lượng và hoạt động thể chất, còn ban đêm dành cho việc ngủ để cơ thể nghỉ ngơi. Vì thế bé có thể ngủ li bì vào ban ngày và trằn trọc khó ngủ về đêm.
Do đặc điểm phát triển của giai đoạn
Đặc điểm sinh lý giấc ngủ: Giấc ngủ gồm hai giai đoạn: Rapid Eye Movement (REM) và Non Rapid Eye Movement (Non – REM). Đối với người trưởng thành, giai đoạn Non – REM chiếm 75% tổng thời gian ngủ, chỉ 25% thời gian còn lại là giai đoạn REM. Đối với trẻ sơ sinh, hai giai đoạn này có thời gian tương đương nhau.
Khi giấc ngủ đang ở giai đoạn REM, hệ hô hấp tăng cường hoạt động, trẻ thở nhanh, nhịp tim tang nhanh. Lúc này, chỉ cần một tác động nhẹ từ môi trường cũng có thể làm trẻ thức giấc. Vì thế, trẻ sơ sinh thường hay bị giật mình tỉnh giấc và khóc khi ngủ.
Bé đạt mốc phát triển mới: Nếu quan sát trẻ thật kỹ, mẹ sẽ không khó để nhận ra mỗi khi bé “biết” thêm một kỹ năng mới: biết bò, biết ngồi, biết đi… bé lại trải qua một giai đoạn “khó ở” tính tình thay đổi như thời tiết vậy! Bé bận rộn tập luyện ngay cả trong lúc ngủ.
Khi được khoảng 6 tháng tuổi, sự phát triển về nhận thức đem đến cho bé cảm xúc mới mẻ: nỗi lo sợ xa cách. Đó là khi bé nhận ra người gần gũi với bé nhất có thể đi nhanh hơn bé, có thể biến mất vào một lúc nào đó và vì thế bé có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào.
Nỗi lo thường trực xuất hiện cả trong giấc ngủ, bé tỉnh dậy và không thấy bóng dáng mẹ đâu cả. Bé chỉ biết gào lên mà khóc và nỗi lo sợ thì đeo bám suốt theo mỗi chu kỳ ngủ. Nỗi lo sợ xa cách tiếp tục làm phiền giấc ngủ của bé thêm nhiều tháng nữa. Đó là có thể là lý do bé 7 tháng khó ngủ về đêm, thường được gọi là khủng hoảng ngủ 7-9 tháng. Đỉnh điểm mẹ có thể gặp lại khi bé được 10 đến 18 tháng.
Không chỉ dừng lại ở những kỹ năng vận động, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trải qua rất nhiều mốc phát triển khác về nhận thức, ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc xã hội…. Khi đó những nỗi sợ mới bắt đầu hình thành đêm đến cho bé những cơn “ác mộng” giữa đêm.
Em bé 2 tuổi trằn trọc khó ngủ bởi đây là lúc bắt đầu hình thành tính tự lập. Bé muốn được tự mình làm mọi việc và chuyện tự mặc áo, tự đi tất hay lọ mọ khám phá thế giới xung quanh đều quan trọng hơn việc đi ngủ. Ngay cả khi bé đã biết tự ngủ rất tốt thì khi tỉnh dậy giữa giờ ngủ, bé cũng có thể tự mình trèo ra khỏi cũi/giường và loay hoay với đủ thứ chuyện trên đời thay vì tìm cách ngủ lại như trước.
Những giấc ngủ cũng có cuộc khủng hoảng riêng của nó trong quá trình phát triển. Khi bé đạt những mốc 4 tháng, 8 tháng, 18 tháng, tuổi, 3 tuổi, mẹ sẽ thấy bé bỗng nhiên ngủ ít hẳn đi, thức dậy chơi giữa đêm, chống lại giờ đi ngủ. Đây được xem là những hiện tượng bình thường và sẽ nhanh chóng trôi qua cùng với sự lớn lên của bé.
Lịch sinh hoạt không phù hợp:
ở bất cứ lứa tuổi nào đây là nguyên nhân rất phổ biến. Ăn – ngủ và hoạt động luôn có có mối liên quan mật thiết, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Khi quá đói bụng bé trằn trọc khó ngủ, khi ăn quá no so với nhu cầu, hệ tiêu hóa làm việc quá tải khiến cơ thể mệt mỏi và ngủ không sâu giâc. Bởi vậy nếu bé 1 tuổi khó ngủ ban đêm thì mẹ đừng vội vàng ép bé ăn đêm nhé. Bé 1 tuổi có đủ khả năng tích trữ năng lượng để ngủ suốt cả đêm. Bé không ngủ được là bởi rất nhiều nguyên nhân khác.
Về mặt hoạt động, mẹ có thể thấy nếu bé hoạt động quá ít, cơ thể không có sự tiêu hao năng lượng tự nhiên, bé chưa đủ mệt để có thể ngủ ngon giấc. Ngược lại khi bé hoạt động quá nhiều, đặc biệt là trước giwof đi ngủ, bé rơi vào trạng thái quá phấn khích, và bé trằn trọc không thể vào giấc.
Lịch sinh hoạt thì có rất nhiều biểu mẫu để mẹ lựa chọn, nhưng áp dụng như thế nào để phù hợp với bé nhà mình thì không phải lúc nào mẹ cũng biết cách. Bởi bé lớn lên từng ngày, có quá nhiều yếu tố tác động tương quan lẫn nhau.
Những nguyên nhân khách quan:
Đối với một em bé non nớt thì những thay đổi bình thường đối với người lớn cũng trở thành những biến cố bất ngờ. Chẳng hạn khi nhà có bác giúp việc mới, cá nhà chuyển sang nơi ở khác, bé đi học mẫu giáo hay bé mới lên chức anh/chị. Khái niệm về trật tự còn đang mơ hồ hình thành trong tâm trí của bé bỗng bị xáo trộn, và mẹ thấy bé 3 tuổi trằn trọc khó ngủ là như thế đó!
Như vậy ba mẹ có thể thấy bé khó ngủ đến từ rất nhiều nguyên nhân, chịu tác động nhiều bởi lứa tuổi, môi trường cũng như sự phát triển của cá nhân bé. Nhiều khi trẻ 5 tuổi khó ngủ và tình trạng này vẫn tiếp diễn khi trẻ 7 tuổi khó ngủ. Ngay cả người lớn chúng ta cũng vậy. Và mỗi lứa tuổi, mỗi nguyên nhân lại có cách giải quyết khác nhau. Vậy nếu vẫn còn băn khoăn về vấn đề trẻ em khó ngủ thiếu chất gì thì ba mẹ hãy cho bé đi khám dinh dưỡng để được tư vấn chuẩn xác nhất nhé!
Bé khó ngủ phải làm sao?
Đối với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ bởi những nhu cầu bản thân chưa được đáp ứng và chưa biết cách biểu đạt những nhu cầu đó. Đây là lúc ba mẹ cần quan sát cũng như phán đoán để hiểu và xử lý đúng cách.

Bé khó ngủ vào ban ngày
Nếu là loại trừ hết những nguyên nhân liên quan đến sức khỏe hay môi trường ngủ khiến bé khó chịu, mẹ hãy lưu ý những điểm sau nhé
- Mẹ tập cho bé phân biệt ngày và đêm bằng cách chuẩn bị môi trường ngủ đặc trưng cho ngày và đêm.
- Mẹ học cách nhận biết những tín hiệu buồn ngủ của bé như ngáp, dụi tai, dang chơi vui nhưng không chú ý vào đồ chơi nữa… để đưa bé vào môi trường ngủ
- Mẹ chú ý quan sát tổng lượng ăn giữa ban đêm và ban ngày để có sự điều chỉnh thích hợp sao cho bé tập trung ăn vào ban ngày và ngủ vào ban đêm
Mẹ tập thói quen tự ngủ cho bé. Tuy nhiên tự ngủ không phải là để cho bé khóc mệt rồi đành lăn ra ngủ nhé.
Đối với trẻ lớn hơn nhưng chưa biết tự ngủ
Trước tiên, mẹ cần xem xét lại lịch sinh hoạt tổng thể của bé, đảm bảo bé được ngủ đủ giấc ngày, thời gian thức và ngủ phù hợp với độ tuổi
Mẹ thiết lập trình tự ngủ nhất quán cho bé. Đó có thể là tăm nước ấm, được mẹ massage nhẹ nhàng, cùng mẹ đọc truyện hoặc thủ thỉ tâm tình rồi tắt đèn và vào chiếc ổ quen thuộc.
Đối với trẻ lớn hơn đã biết tự ngủ
Khi bé thức dậy giữa đêm, mẹ đừng vội xuất hiện và dỗ bé ngay mà hãy dành thời gian để bé học cách tự trấn an bản thân.
Nếu bé không thể tự dỗ mình ngủ trở lại, mẹ hãy nhẹ nhàng vỗ về giúp bé bình tĩnh và đặt bé xuống giường hoặc ra khỏi phòng (trong trương hợp bé ngủ riêng phòng) trước khi bé chìm vào giấc ngủ.
Trong trường hợp bé đang gặp xáo trộn do hoàn cảnh khách quan như gia đình có thêm thành viên mới, bé mới đi học…, mẹ cần quan tâm đến bé dành nhiều thời gian trò chuyện hơn nữa trước khi đi ngủ.
Các bé từ 2 tuổi có thể được ba mẹ cho tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại. Mẹ lưu ý tránh cho bé xem những chương trình này trước khi đi ngủ ít nhất một giờ.