Chia sẻ cùng mẹ cách thiết lập lịch sinh hoạt cho bé 1 tuổi
Nội dung bài viết
1 tuổi là cột mốc đánh dấu bé từ giai đoạn sơ sinh non nớt bước qua giai đoạn chập chững biết đi. Bé đã có thể hiểu phần lớn những gì mà người lớn nói. Bởi vậy đây là thời điểm lý tưởng để mẹ thiết lập lịch sinh hoạt bé 1 tuổi để hỗ trợ tối đa cho sự phát triển lành mạnh của con.
1. Đặc điểm phát triển của bé 1 tuổi

Bé 1 tuổi đã có thể hiểu phần lớn những gì mà người lớn nói
Mẹ cần hiểu những đặc điểm phát triển chung để có cơ sở thiết lập lịch sinh hoạt phù hợp. Giai đoạn này bé bắt đầu học các kỹ năng để đạt được những mốc phát triển quan trọng như sau:
- Kỹ năng vận động thô phát triển mạnh mẽ. Bé có thể bò thành thạo, đứng vịn, đi vịn, tập đi. Nhiều bé 1 tuổi đã có thể đi được.
- Kỹ năng vận động tinh: Bé có thể kiểm soát và phối hợp được những chuyển động phức tạp hơn của các cơ nhỏ, mắt, ngón tay, ngón chân.
- Ngôn ngữ: Bé có thể nói vài từ đơn như ba, mẹ, biết chỉ tay để thể hiện nhu cầu hoặc để trả lời khi được hỏi.
- Nhận thức: Bé có thể hiểu được nguyên nhân và kết quả.
- Cảm xúc: Những cảm xúc phức tạp hơn bắt đầu được thể hiện ra như lo sợ, đòi hỏi, tỏ ra bướng bỉnh…
2. Cách thiết lập lịch sinh hoạt cho bé 1 tuổi

Mẹ cần quan sát và điều chỉnh lịch sinh hoạt phù hợp cho bé
Mục tiêu của việc thiết lập lịch sinh hoạt cho bé 1 tuổi là để tạo nền tảng sức khỏe tốt, thói quen tốt, tính tự lập cho bé và cũng là để mẹ cân bằng giữa việc chăm sóc con và công việc cá nhân. Do vậy mẹ cần quan sát và điều chỉnh cho phù hợp dựa trên các nguyên tắc sau:
- Trật tự về thời gian: Trình tự đối với trẻ 1 tuổi là yếu tố rất quan trọng. Do vậy các mốc thời gian trong lịch sinh hoạt có thể xê dịch nhưng mẹ cố gắng giữ thứ tự các hoạt động trong ngày một cách ổn định.
- Trật tự về không gian: Một trong những mục tiêu của việc thiết lập lịch sinh hoạt là xây dựng khả năng tự lập cho bé càng sớm càng tốt. Vì thế mẹ cần sắp xếp lại ngôi nhà cho phù hợp với bé bằng cách bố trí đồ nội thất có kích thước phù hợp tầm với của bé như bàn ghế nhỏ, giá kệ thấp để trên mặt sàn. Thay vì cho tất cả đồ chơi lộn xộn vào một cái thùng, mẹ có thể bày một vài món lên giá cho bé lựa chọn, chỗ còn lại mẹ cất đi và luân chuyển xoay vòng.
- Chú ý tính an toàn trong nhà như ổ điện, phích nước nóng, đồ dễ vỡ… Những món mẹ không muốn bé làm hỏng trong quá trình khám phá thì mẹ nên cất khuất hẳn tầm nhìn của bé.
- Mẹ luôn là người làm gương cho bé làm theo. Mẹ cần quan sát và kiên nhẫn nhắc nhở từng bước để bé dần dần “vào nếp”
- Trong quá trình tương tác hàng ngày, mẹ lưu ý thái độ nhẹ nhàng, vỗ về, dỗ dành khi bé không nghe lời, tuyệt đối không sử dụng bạo lực.
- Khi bé tỏ ra bướng bỉnh, ăn vạ, mẹ cần tỏ thái độ dứt khoát, không thỏa hiệp.
3. Lịch sinh hoạt bé 1 tuổi giúp bé phát triển tối đa
Sau đây là lịch sinh hoạt bé 1 tuổi tham khảo theo Easy 3-3-4 (Easy 334 – E334). Giai đoạn này, nhiều bé có thể đã đi học nên mẹ có thể áp dụng thời gian ở nhà cho con hoặc vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ.
Thời gian | Hoạt động của bé | Ghi chú dành cho mẹ |
---|---|---|
7h | Bé thức dậy và làm vệ sinh cá nhân | Thay bỉm, đánh răng, rửa mặt. |
7h15 – 7h30 | Ăn sữa | Bé ăn tối đa trong vòng 30 phút. Mẹ nên cho bé tập uống sữa bằng cốc ống hút hoặc cốc có tay cầm |
7h30 – 8h30 | Bé chơi tự lập | Mẹ quan sát bé hoạt động tự lập với đồ chơi và tránh tối đa sự can thiệp Để thực hiện được bước này mẹ cần sắp xếp đồ đạc trong nhà theo kích thước và trật tự phù hợp với bé và quan trọng nhất là thiết lập được thói quen chơi tự lập cho bé Mẹ có thể khuyến khích bé tham gia làm việc nhà như cho quần áo vào máy giặt, lau cửa kính, phơi tất… |
8h30 – 10h | Hoạt động thể chất | Mẹ ưu tiên cho bé ra ngoài để hít thở không khí trong lành và được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Nếu thời tiết không thuận lợi, 2 mẹ con có thể tập một vài động tác thể dục đơn giản trong nhà rồi chơi trò chơi vận động như chơi với bóng, trốn tìm… Bé cùng mẹ tham gia vào hoạt động chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa như bứt lá rau, xếp củ quả vào rổ, chơi với xoong nồi chảo…Đây cũng là lúc bé được khám phá và học hỏi các loại rau củ quả thực tế |
10-11h00 | Ngủ giấc ngắn | Cho bé ngủ giấc ngắn 60 phút. |
11h15 – 12h00 | Ăn trưa | Bé cần được ăn một bữa đầy đủ các nhóm chất. Mẹ hãy tập cho bé ngồi ghế và tự ăn nghiêm túc. Thời điểm này mẹ có thể tập cho bé xúc thìa |
12h trưa – 1h chiều | Chơi tự lập | Mẹ thay bỉm, vệ sinh răng miệng cho bé Mẹ cho bé chơi tự lập |
1h – 2h chiều | Hoạt động cùng mẹ | Bé cùng mẹ đọc truyện, nghe nhạc… |
2h00 – 3h00 chiều | Ngủ trưa | Cho bé ngủ giấc ngắn 60 phút. |
3h00 – 4h chiều | Chơi tự lập | Mẹ cho bé chơi tự lập với các hoạt động như xếp hình, xem tranh… |
4h – 5h chiều | Hoạt động cùng mẹ | Mẹ có thể lựa chọn các hoạt động như hát, nghe nhạc, gấp quần áo xếp vào tủ… Mẹ sắp xếp thời gian cho bé ra ngoài đi dạo hoặc cùng đi siêu thị Nếu bé đã biết đi, việc đi dạo rất tốt cho sự phát triển của bé |
5h – 5h30 chiều | Tắm | Mẹ tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, có thể massage nhẹ nhàng để giúp bé có giấc ngủ sâu vào buổi tối. Giờ đi tắm có thể rất thú vị nếu mẹ bổ sung những trò chơi nhà tắm. |
5h30 – 6h chiều | Ăn tối | Mẹ ưu tiên sắp xếp lịch sinh hoạt để bé có thể tham gia ăn tối cùng cả gia đình. Mẹ cần nhớ tuyệt đối không cho bé vừa ăn vừa xem tivi hoặc chơi đồ chơi. |
6h15 – 7h00 tối | Hoạt động nhẹ nhàng + Trình tự ngủ đêm | Mẹ cùng bé đánh răng để từng bước thiết lập thói quen tốt cho bé Mẹ kiên nhẫn thực hiện trình tự ngủ cho bé. Đó có thể là đánh răng, massage, đọc truyện… |
7h tối | Ngủ đêm | Mẹ chú ý trong lịch sinh hoạt của bé 1 tuổi thì giấc ngủ rất quan trọng. Bé cần được đi ngủ sớm để ngủ đủ giấc. |
Trên đây là lịch sinh hoạt cho bé 1 tuổi tham khảo, tùy thuộc vào từng bé mẹ có thể thay đổi lịch sinh hoạt cho phù hợp.
Ví dụ: Lịch sinh hoạt 2-3-5 (Thức 2 tiếng – Ngủ 1 tiếng – Thức 3 tiếng – Ngủ 1 tiếng – Thức 5 tiếng – Ngủ đêm 11-12 tiếng) hoặc nhiều bé đã lên lịch sinh hoạt Easy 5-5.5 hoặc Easy 5-6 tùy thuộc vào từng bé.
Nguồn tham khảo:
Hichiu.com sử dụng các nguồn tài liệu được kiểm định nghiêm ngặt và dựa trên các nghiên cứu đã được bình duyệt, các tổ chức nghiên cứu học thuật và các hiệp hội y tế. Chúng tôi tránh sử dụng tài liệu trôi nổi không đáng tin cậy. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách chúng tôi đảm bảo nội dung của mình là chính xác và cập nhật chính sách biên tập của chúng tôi.
- Bento G, et al. (2017). The importance of outdoor play for young children’s healthy development. DOI:
10.1016/j.pbj.2017.03.003 - Murray J. (2018). The play’s the thing. DOI:
10.1080/09669760.2018.1527278 - Yogman M, et al. (2018). The power of play: A pediatric role in enhancing development in young children. DOI:
10.1542/peds.2018-2058