Khủng hoảng tuổi lên 2 – Mách mẹ cách “đối phó” hiệu quả

Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi giai đoạn bé phát triển đầy đủ về trí tuệ và thể chất. Bé bắt đầu học các kỹ năng để đạt được những mốc phát triển quan trọng như sau:

  • Học các kỹ năng vận động cơ bản: Đi bộ, chạy nhảy, leo trèo
  • Học cách giao tiếp để biểu đạt nhu cầu và cũng nhận ra rằng đôi khi những mong muốn đó có thể khác với những người khác
  • Học nhận biết các trạng thái cảm xúc
  • Học cách chia sẻ, hiểu khái niệm “của con”
  • Học cách chờ đợi, hiểu khái niệm về thời gian và các giới hạn
khủng hoảng tuổi lên 2
1 đến 3 tuổi giai đoạn bé phát triển đầy đủ về trí tuệ và thể chất

Trong giai đoạn này, bé háo hức khám phá môi trường xung quanh và làm những gì bé muốn theo cách riêng của bé. Nhưng vì các kỹ năng ngôn ngữ, thể chất và cảm xúc của bé chưa phát triển đầy đủ, bé dễ dàng trở nên thất vọng khi không thể giao tiếp hoặc làm tròn một việc như mong muốn. 

Chẳng hạn, bé nghĩ rằng mình có thể tự đổ sữa ra cốc nhưng tay và mắt lại không chịu phối hợp nhịp nhàng chút nào cả, làm cho sữa đổ hết ra bàn. Hoặc bé chẳng làm cách nào cho mẹ hiểu là bé chỉ muốn ăn lần lượt cơm rồi đến rau. Vậy mà mẹ cứ trộn hết lên với nhau rồi nổi cáu với bé trong khi bé lắc đầu và đang tìm cách nói với mẹ. Hoặc bé chẳng thể đủ kiên nhẫn để đợi mẹ làm xong việc này kia như mẹ đã hứa. Vậy là khủng hoảng nổ ra!

Tóm lại, bé MONG MUỐN quá nhiều nhưng kỹ năng còn HẠN CHẾ, vậy nên xảy ra KHỦNG HOẢNG.

Khủng hoảng tuổi lên 2 biểu hiện như thế nào?

Bé thể hiện sự bùng nổ cảm xúc bằng những cơn giận dữ

Những cơn giận dữ có thể bao gồm từ than vãn, làu bàu, giận dỗi, ăn vạ cho đến những cơn cuồng loạn. Ngoài việc gào khóc không ngừng, bé còn bất đầu có thêm các hành vi:

  • Đánh
  • Đá
  • Cắn
  • Ném đồ đạc

Theo kết quả từ một nghiên cứu năm 2003, ước tính khoảng 75% các cơn giận dữ ở trẻ từ 18 đến 60 tháng kéo dài từ 5 phút trở xuống. Cơn giận dữ là phổ biến như nhau ở bé trai và bé gái.

Bé giận dữ ném đồ chơi yêu thích

Bé thể hiện sự chống đối

Mọi ngày mẹ vẫn giúp bé mặc quần áo, giúp bé leo lên cầu trượt ở sân chơi hay là nắm tay bé sang đường. Vậy mà bỗng nhiên bé phản đối lại việc mẹ vẫn làm và mẹ kết luận bé quá bướng bỉnh. 

Nhưng không phải vậy đâu mẹ à! 

Đó là bởi mỗi ngày bé lại đạt được những kỹ năng mới. Bé muốn được thực hành và tự kiểm tra những kỹ năng mới học được. Bé khăng khăng muốn tự mình làm mọi việc cho dù kỹ năng của bé vẫn chưa hoàn thiện để hoàn thành. Dần dần, thử nghiệm rồi vấp ngã, tiếp tục thử nghiệm rồi lại vấp ngã… bé học được cách trở nên độc lập hơn.

Trong quá trình đó, em bé tự lập của mẹ cũng có thể đột ngột muốn mẹ giúp bé làm những việc mà bé đã biết cách làm thành thạo.

Tâm trạng thất thường

Trong giai đoạn này mẹ sẽ thường xuyên chứng kiến bé đang chơi hết sức vui vẻ phút chốc đã la hét, khóc lóc không ngừng. Tất cả đều là hệ quả của sự thất vọng do bé muốn tự làm mọi việc mà không có đủ kỹ năng cần thiết. Mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc bé bỗng nhiên nổi cơn tam bành một cách vô cớ ở nơi công cộng. Mẹ sẽ chỉ thất vọng nếu mong đợi rằng bé biết kiềm chế trước đông người nên sẽ cư xử đúng đắn.

Tâm lý trẻ 2 tuổi và các lĩnh vực phát triển đặc biệt mẹ cần chú ý
Bé “ăn vạ” nơi công cộng khiến mẹ khó xử

Bé liên tục nói “không”

“Mẹ chúc Bông ngủ ngon nhé!”

“Không!” – Bé vui vẻ vẫy mẹ.

“Bông có bạn thỏ mới này!” 

“Không!” – Bé hào hứng đón nhận.

Vậy đó, nhiều lúc mẹ sẽ bị bối rối khi bé liên tục nói “không” một cách vô nghĩa trong mọi trường hợp. Bé mới học được sức mạnh của từ “Không”. Bé liên tục thử nghiệm ý nghĩa của từ vựng hay ho này. Bé nhận ra càng dùng từ này nhiều, mẹ càng phản ứng mạnh hơn, nên bé cứ muốn thử để xem tiếp theo mẹ sẽ làm gì.

Biếng ăn và Khóc đêm

Bé bận rộn với các thử nghiệm suốt cả ngày nên quên mất cả việc cần phải ăn cho no, ngủ cho đủ. Ăn và ngủ có mối liên quan mật thiết với nhau. Bé gắt gỏng vì vừa đói bụng vừa buồn ngủ, lại không biết phải làm sao cho mẹ hiểu. Thế là bé đành nằm vật ra mà khóc.

Thêm vào đó, có các nhân tố khác khiến cho bé ăn không ngon ngủ không yên và khiến giai đoạn này càng khó khăn hơn:

  • Mọc răng: bé đang mọc răng hàm và răng nanh nên ngứa ngáy, khó chịu và đau đớn.
  • Bé vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo sợ xa cách: với hầu hết các bé thì tâm lý lo sợ xa cách bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn 7 – 8 tháng. Nhưng với nhiều bé khác thì khi bắt đầu giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, hiệu ứng tâm lý này tái hiện lần thứ hai và sức ảnh hưởng thì lên đến đỉnh điểm. Điều này khiến cho bé bất an khi phải rời mẹ để đi ngủ hoặc tỉnh dậy mà không thấy mẹ.
  • Mẹ bắt đầu tập bỏ bỉm cho bé trong giai đoạn này: cảm giác sợ hãi không kiểm soát được cơ thể, sợ ướt, sợ bẩn, sợ ngồi bô có thể gây chấn động tâm lý nhỏ, cộng hưởng với những thay đổi tâm lý đang có khiến bé càng khó ngủ đêm.

Bé có biểu hiện như thế nào là có vấn đề về hành vi?

Làm thế nào để mẹ biết khi nào bé đang trải qua khủng hoảng tuổi lên 2 hay có vấn đề về hành vi?

Một nghiên cứu đăng tải trên trang Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ tiến hành trên các bé trong độ tuổi từ 3-6 tuổi cho thấy các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:

  • Bé thường xuyên có các cơn giận dữ với số lượng 10 đến 20 lần một ngày. Cơn giận kéo dài trung bình hơn 25 phút.
  • Bé cố gây thương tích cho mình hoặc cho người khác trong cơn giận 
  • Bé không có khả năng tự bình tĩnh trở lại

Nếu bé đã qua tuổi lên 3 mà có những biểu hiện như trên hoặc mẹ cảm thấy hành vi của bé đang vượt quá tầm kiểm soát, mẹ đừng ngần ngại nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể chỉ dẫn cho mẹ các cách thức để điều chỉnh hành vi phù hợp với tình trạng của bé và tư vấn cho mẹ nếu cần thiết phải cho bé đi đánh giá sức khỏe tâm thần.

Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?

Khủng hoảng tuổi lên 2 không nhất thiết phải xảy ra ngay khi bé bước sang tuổi thứ 2, mà thường bắt đầu từ 18 đến 30 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 3 tuổi.

Khi lên 4 tuổi, bé  thường có đủ sự phát triển về ngôn ngữ và vận động để thể hiện bản thân, hiểu được và biết cách làm theo chỉ dẫn của người lớn.

Nghiên cứu cho thấy 20% trẻ 2 tuổi mỗi ngày có một lần nổi cơn tam bành, nhưng con số này chỉ là 10% ở trẻ 4 tuổi.

Kỳ khủng hoảng mệt mỏi kéo dài khiến chính mẹ cũng lâm vào “khủng hoảng”

Có phải tất cả các bé đều phải trải qua khủng hoảng tuổi lên 2?

Hầu hết các em bé ở độ tuổi này sẽ thể hiện một số dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2.

Tuy nhiên, một số bé sẽ vượt qua giai đoạn này với ít cơn giận dữ hơn những bé khác, nếu bé có sự phát triển sớm về kỹ năng ngôn ngữ giúp bé thể hiện bản thân rõ ràng hơn và giảm bớt sự thất vọng.

Khủng hoảng tuổi lên 2 và cách khắc phục

Sau đây là những lưu ý để giúp bé và chính bản thân mẹ vượt qua giai đoạn này:

  • Lịch trình sinh hoạt khoa học và nhất quán: Bé cần được ăn uống và nghỉ ngơi đều đặn để giữa tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
  • Sắp xếp đồ đạc trong nhà để phù hợp với sự phát triển của bé trong từng thời kỳ nhằm tạo cơ hội cho bé thỏa sức khám phá môi trường xung quanh trong giới hạn an toàn. Nếu mẹ không muốn để bé chạm vào món đồ không an toàn thì hãy cất hẳn đi thay vì để bé nhìn thấy và cấm bé chạm vào.
  • Mẹ thống nhất cách xử lý khi có vấn đề xảy ra
  • Bước 1: Ghi nhận vấn đề, không phán xét đánh giá. Vì sự phán xét của mẹ, dựa trên kinh nghiệm và cả những trải nghiệm cá nhân tích cực hoặc không tích cực của mẹ, sẽ làm ảnh hưởng tới sự quan sát, nhìn nhận vấn đề của bé. 
  • Bước 2: Gợi ý giải pháp với bé: Mẹ có thể gợi ý cho bé 2 giải pháp để bé có quyền lựa chọn.
  • Bước 3: Đồng hành thực hiện cùng bé. Mẹ làm mẫu và thực hiện cùng với bé. Mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành với bé, để bé thấy mọi vấn đề đều có giải pháp, cứ từ tốn quan sát và thực hiện.
Bé rất cần có mẹ đồng hành và hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
  • Tạo cơ hội cho bé được tự làm mọi việc trong giới hạn cho phép. Mẹ có thể giao cho con những nhiệm vụ vừa sức và khen ngợi khi bé làm được. Cho dù bé còn lóng ngóng, vụng về, mẹ hãy ghi nhận nỗ lực và động viên thay vì làm tất cả giúp bé cho nhanh hoặc cho đỡ “tội nghiệp”, “khổ thân”.
  • Luôn bình tĩnh, mềm mỏng, nhẹ nhàng: Thay vì la mắng và quát nạt con, mẹ hãy nhẹ nhàng công nhận và gọi tên những cảm xúc mà bé đang trải qua. Nếu bé có những hành vi la hét, khóc lóc, giãy giụa ở nơi đông người, hãy cùng bé ra một góc yên tĩnh, ngồi bên cạnh và cho bé thời gian để điều tiết những cảm xúc tiêu cực.
  • Đặt ra giới hạn và luôn nhất quán, không nhượng bộ: Không tạo tiền lệ thỏa hiệp và chiều theo ý bé mỗi khi bé ăn vạ.
  • Báo trước cho bé về sự việc sắp xảy ra để bé không bị đột ngột.
  • Nếu bé thường xuyên nói “Không”: 
  • Mẹ hãy hỏi bé những câu mà bé có thể lựa chọn và ra quyết định thay vì câu hỏi phải trả lời Có/Không: “Con muốn làm việc A hay việc B?”, “Con muốn ăn món C hay D?”. 
  • Mẹ tránh nói “Không” với bé: Thay vì nói: “Con không được hét như thế!” hãy nói: “Mẹ cho con hét nhưng con hét nhỏ thôi, con hét nhỏ thử mẹ nghe nào.”

Vậy đó mẹ à, khủng hoảng là để bé lớn lên chứ không phải để mẹ chịu đựng. Với những lưu ý như trên, mẹ hãy bình tĩnh chuẩn bị đón đầu từ giai đoạn 0-1 tuổi nhé. Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua. Chúc mẹ và bé nhiều niềm vui trong những chặng đường phát triển của bé!

Nguồn: POH, healthline.com, parents.com

HiChiu
Logo