Chăm sóc trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi

Trải qua tháng đầu tiên ăn rồi ngủ và ngủ rồi lại dậy ăn, em bé sơ sinh của mẹ bắt đầu bước sang tháng thứ 2 với những thay đổi rõ rệt về thể chất và mẹ tự hỏi trẻ sơ sinh ra tháng có dễ hơn không? Thêm vào đó là những thay đổi của tuần khủng hoảng 5, rồi tuần khủng hoảng 8 kế tiếp. Nhưng một khi đã nắm vững những kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh thì mẹ có thể hoàn toàn tự tin chăm sóc bé yêu khoa học. Mẹ đọc bài viết này để được hướng dẫn cách chăm sóc bé chu đáo nhất cũng như giúp con phát triển toàn diện nhất nhé!

Cho bé ăn như thế nào?

Bé hơn 1 tháng tuổi thường ăn khoảng sáu đến tám lần một ngày, mỗi lần khoảng 90-150ml. Đây là lượng ăn trung bình để mẹ tham khảo. Mẹ cần quan sát nhu cầu ăn thực tế của con và tránh cho trẻ bú quá no bằng cách để ý các dấu hiệu bú đủ, chẳng hạn như bé ngừng bú hoặc quay đi.

Lúc này dạ dày của bé đã có sức chứa lớn hơn một chút, mẹ có thể cho bé ăn theo cữ khoảng 3h/lần. Con không bị quá no hay quá đói, từ đó có thể bú hiệu quả. Đồng thời cơ chế tiết sữa mẹ được ổn định và đáp ứng được nhu cầu cần thiết của bé.

Ngoài ra mẹ hãy chú ý duy trì chế độ ăn bổ dưỡng và cân bằng để đảm bảo sức khỏe cũng như nguồn sữa cho bé.

Cho bé ngủ như thế nào?

Trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi có thể ngủ khoảng 16 đến 18 giờ một ngày với khả năng ngủ giấc đêm dài và ổn định hơn so với khi mới sinh. Song song với đó, các giấc ngày cũng ngắn hơn và bé có vẻ “thính ngủ” hơn. Nếu bé đã bú mẹ hiệu quả với khớp ngậm đúng, mẹ có thể cân nhắc cho bé sử dụng ti giả giúp bé tự trấn an và vào giấc dễ dàng hơn.

Giai đoạn này, cơ thể của bé đã có sự làm quen nhất định với môi trường xung quanh và nhịp sinh học bắt đầu hình thành thông qua cơ chế giải phòng hormone nhất định. Bé có khả năng phân biệt sáng và tối, ngày và đêm. Thêm vào đó, mẹ cũng đã có thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe sau sinh, lượng sữa cũng tăng ổn định. Đây là thời điểm thích hợp để mẹ thiết lập nếp sinh hoạt cho bé tạo nền tảng phát triển thuận lợi về lâu dài.

Trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi

Bé hơn 1 tháng tuổi có thể theo nếp sinh hoạt EASY 3. Theo đó, ngoài điều chỉnh giờ ăn phù hợp, mẹ cần lưu ý một số điểm sau để giúp con ngủ thật ngon và thật trọn vẹn:

  • Tạo lập thói quen trước khi đi ngủ bằng chuỗi những việc lặp đi lặp lại giống nhau giữa các lần đi ngủ. Chẳng hạn trước khi vào giấc đêm mẹ có thể tắm, massage rồi đọc sách cho bé nghe và cuối cùng là ôm bé thủ thỉ.
  • Để tránh trường hợp ngủ ngày cày đêm, mẹ có thể giúp bé phân biệt ngày đêm bằng cách tạo ra các môi trường đặc trưng cho giấc ngày và giấc đêm. Đồng thời các cữ bú đêm hoặc những lúc cần thay bỉm giữa đêm, mẹ cố gắng giữ không gian tối và yên tĩnh nhất có thể để bé dễ dàng ngủ tiếp nhé.

Điều quan trọng là mẹ cần kiên nhẫn lặp lại đủ nhiều để bé nhận biết và dần dần học cách tự ngủ.

Sử dụng tã bỉm cho trẻ như thế nào?

Mẹ hãy theo dõi số lần tã ướt và bẩn trong ngày bởi chúng phản ánh tình trạng sức khỏe cũng như lượng ăn của bé có đủ hay không. Mỗi em bé là duy nhất, có những bé đi pee ngay sau khi bú và có những bé vài tiếng mới đi một lần. Mẹ cần quan sát số lần tã ướt thường ngày của bé nhà mình. Nếu số lượng tã ướt giảm đáng kể hoặc miệng bé có vẻ khô thì bé có thể bú quá ít.

Bé cũng có thể đi poo từ vài lần một ngày hoặc có những ngày chỉ một lần một tuần. Nếu bé đi poo ít hơn bình thường nhưng sản phẩm không có gì bất thường và bé vẫn vui vẻ thì không có gì đáng lo ngại.

Mẹ có thể điều chỉnh lại cữ bú để bé bú hiệu quả hơn hoặc cho bé đi khám nếu cảm thấy tình trạng bất ổn.

Chơi với bé như thế nào?

Chơi và tương tác với ba mẹ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và khả năng học hỏi đầu đời của bé. Ngoài ra giai đoạn này bé chuyển tiếp từ wonder week 5 sang wonder week 8, chơi với bé là cách tốt nhất để xoa dịu những cơn “khó ở” và giúp bé vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhanh  chóng nhất. Mẹ đừng quên những hoạt động này nhé:

  • Đọc cho bé nghe: Ngay cả khi bé không hoàn toàn hiểu hết tất cả những gì mẹ đọc, bé đang lắng nghe cũng như học hỏi từ chính những âm điệu, nhịp độ và biểu cảm mẹ đang tạo ra. Ngoài ra thị giác phát triển tầm nhìn của bé mở rộng hơn giúp bé có thể quan sát được hình ảnh trong sách. Mẹ có thể cho nj những cuốn sách thiếu nhi có tranh vẽ hai màu tương phản đen và trắng. Mẹ đừng ngần ngại đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách bởi trẻ sơ sinh thích lặp đi lặp lại.
  • Thường xuyên trò chuyện với bé: Mẹ chỉ cần kể cho bé nghe những việc đang và sẽ làm với bé. Bé sơ sinh hơn 1 tháng tuổi bắt đầu biết hóng chuyện và có thể nở nụ cười đầu tiên đáp lại cuộc trò chuyện của mẹ đó!
  • Tích cực cho bé nằm sấp: Mẹ tiếp tục cho trẻ nằm sấp mỗi ngày để giúp tăng cường cơ cổ, cánh tay và vai của trẻ.
  • Giới thiệu nhiều loại âm thanh: Mẹ hãy cho bé lắng nghe những âm thanh đa dạng của cuộc sống hàng ngày.

Cách chăm sóc trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi

Các vấn đề về sức khỏe cần lưu ý

Hăm tã. Tã ướt hoặc bẩn tiếp xúc với da bé quá lâu có thể gây phát ban đỏ trên vùng mặc tã. Để chống hăm tã, mẹ hãy thay tã thường xuyên và càng sớm càng tốt, lau sạch mỗi lần thay và để mông của bé tiếp xúc với không khí nhiều nhất có thể.

Phát ban do nóng. Những mụn đỏ li ti này thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm, thường xuất hiện trên cổ, cánh tay, chân hoặc vùng quấn tã. Mẹ hãy làm mát vùng da bị mẩn đó bằng nước, sau đó lau khô da hoàn toàn, mặc quần áo khô và mát cho bé. Theo cách này, các nốt đỏ thường biến mất sau vài ngày.

Bệnh chàm. Tầm hơn 1 tháng tuổi, bé có những mảng da đỏ, ngứa, có vảy ở khuỷu tay và đầu gối, đó có thể là bệnh chàm. Mẹ cần chú ý cho bé sử dụng xà phòng dịu nhẹ, quần áo chất liệu mềm mại, không gây ngứa và lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da của bé.

Ho khan. Nếu bạn nhận thấy bé 2 tháng tuổi ho, đó là dấu hiệu cho thấy đường thở của bé đang bị kích thích. Ho có thể do nhiều loại bệnh đường hô hấp, từ cảm lạnh thông thường đến viêm phổi. Nếu bé hơn 1 tháng tuổi ho kèm theo sốt hoặc khó thở, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.

Dị ứng. Các dấu hiệu tiềm ẩn của dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm bao gồm những biểu hiện như quấy khóc, nôn trớ nhiều, phân rất nhiều nước hoặc có máu, phát ban.

HiChiu
Logo