Cách chơi với trẻ sơ sinh (7-12 tháng)

Bước sang tháng thứ 7, bé yêu đã trải qua 6 tháng sơ sinh non nớt để bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ về các kỹ năng vận động. Cùng với đó, trí não của bé cũng phát triển với tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc so với các cơ quan khác của cơ thể và so với các giai đoạn về sau này của bé.

Nghiên cứu khoa học cho thấy đến sinh nhật 1 tuổi não bộ của trẻ đạt 50% trọng lượng của người trưởng thành. Bộ não hoạt động dựa trên cơ chế liên kết giữa các khớp nối thần kinh. Mẹ có thể hình dung bộ não giống như một căn phòng mà các tế bào thần kinh giống như các bóng đèn. 

Tuy nhiên không phải cứ có nhiều bóng đèn thì căn phòng sẽ càng sáng. Mà đây chỉ là điều kiện cần. Để thắp sáng căn phòng cần có một hệ thống nguồn điện chạy qua các bóng đèn, hay chính là các khớp nối thần kinh. Và ở trẻ sơ sinh, chìa khóa để tạo nên các khớp nối này chính là việc được trò chuyện, được chơi cùng mẹ và được sống trong môi trường an toàn, quen thuộc và phong phú, đa dạng.    

Do vậy, tương tác phù hợp với con theo đúng giai đoạn phát triển của bé là rất quan trọng. Dựa vào những đặc điểm theo từng tháng tuổi dưới đây, mẹ hãy cùng chơi với bé thật vui để hỗ trợ con phát huy tối đa các tiềm năng nhé!

Cách chơi với trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi

Sang tháng thứ 7, kỹ năng vận động của bé bước sang một trang mới khi bé có thể tự mình di chuyển đến nơi mong muốn. Bé có thể trườn chéo chi thành thạo. Một số bé có thể bò lùi hoặc bò về phía trước.  Dù bé biết bò hay chưa thì mẹ đừng lo lắng mà hãy hỗ trợ con tập bò nhé.

Kỹ năng vận động của bé bước sang một trang mới khi bước sang tháng thứ 7

Bé thích quan sát hình ảnh các con vật trong sách tranh và lắng nghe tiếng mô phỏng của chúng. Vì vậy mẹ có thể để bé ngồi dựa vào lòng mẹ, hoặc mẹ nằm xuống cạnh bé một cách thoải mái và cùng nhau ngắm nhìn những trang sách. 

Mẹ nên chọn những cuốn sách có hình vẽ to, rất ít hoặc không có chữ và nên có chủ đề về động vật . Mẹ vừa hào hứng gọi tên vừa bắt chước phát ra tiếng kêu của các con vật trong sách. Mẹ cũng có thể mua sách có mô phỏng âm thanh thực tế của chúng hoặc những âm thanh của thế giới tự nhiên như tiếng sóng vỗ, tiếng suối chảy, tiếng gió thổi… 

Nếu thời tiết cho phép, mẹ nên ưu tiên cho bé ra ngoài chơi để bé được trực tiếp quan sát, hít hà và cảm nhận cảnh vật tự nhiên. Cùng nhau đi vườn bách thú cũng là một lựa chọn thú vị đó mẹ à.

cách chơi với trẻ sơ sinh
Mẹ đừng quên thường xuyên đọc sách cùng bé

Ngoài ra bé cũng háo hức được khám phá cơ thể của chính mình. Bé sẽ tỏ ra cực kỳ thích thú khi được mẹ chỉ ra và gọi tên những bộ phận trên cơ thể. Bởi thế, thời gian đi tắm cũng sẽ trở thành trải nghiệm rất vui vẻ của hai mẹ con. Mẹ có thể cho bé tắm lâu hơn một chút, cùng trò chuyện, cùng chơi đùa với những đồ chơi nhà tắm và thử nghiệm xem nước chảy như thế nào.

Ở tầm tuổi này, bé có thể cầm đồ bằng cả 2 tay, biết lắc cho kêu hoặc dốc ngược một chiếc hộp. Mẹ làm  một chiếc giỏ nhỏ chứa những món đồ chơi khác nhau như một quả chuông, một cuốn sách nhỏ, một túi vải chứa hạt đậu… để bé tha hồ khám phá và lật úp cái rổ cho đồ chơi rơi ra ngoài. Mẹ chuẩn bị cho bé một vài quả bóng nhỏ vừa tay để bé tập ném và quan sát quả bóng lăn trên sàn như thế nào.

Cách chơi với trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi

Bé đã có thể tự đứng dậy, bám và đi men theo cạnh bàn dù cử động vẫn còn cứng và vụng về. Bé tỏ ra rất thích thú được đẩy một cái hộp đi khắp nơi và chưa điều chỉnh được tốc độ di chuyển của mình nên có thể liên tục tông vào tường hay đồ đạc. Mẹ hãy cổ vũ bé và điều chỉnh sức nặng của chiếc hộp cho phù hợp với sức đẩy của bé bằng cách cho thêm hoặc bỏ bớt đồ 

Bé tỏ ra rất thích thú được đẩy một cái hộp đi khắp nơi

Mẹ có thể chơi những trò chơi rèn luyện thăng bằng cho bé để hỗ trợ bé bò tốt và chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên trong thời gian tới. 

  • Đi máy bay: Mẹ cho bé nằm sấp trên cánh tay rồi cất cánh, hạ cánh rẽ trái, rẽ phải, tăng giảm độ cao, lượn vòng tròn quanh phòng. Vừa bay mẹ vừa tạo âm thanh vèo vèo, vù vù mô phỏng tiếng máy bay lướt gió để tăng phần sinh động cho bé
  • Trồng cây chuối: Mẹ cho bé ngồi áp vào ngực mẹ rồi từ từ cúi xuống sao cho đầu bé hướng xuống sàn. Ban đầu một số em bé sẽ cảm thấy căng thẳng nhưng nếu mẹ làm đúng và chú ý tính an toàn thì đây sẽ là bài tập rất tốt cho hệ tiền đình của bé.

Về mặt nhận thức, bé bắt đầu bắt chước được một số điệu bộ và kết nối được hành động với lời nói như vẫy tay chào tạm biệt, vỗ tay… khi được yêu cầu. Vì thế mẹ có thể cùng bé soi gương và vừa hát những bài hát về các bộ phận cơ thể vừa chỉ cho bé mắt, mũi, miệng, chân, tay… 

Hoặc mẹ có thể dạy bé những ký hiệu thể hiện nhu cầu cần thiết như đói, thay bỉm, buồn ngủ… Mẹ lưu ý sử dụng cùng một ký hiệu nhất quán, lặp đi lặp lại nhiều lần và đi kèm với lời nói hoặc từ khóa cố định

Cách chơi với trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi

Lúc này bé đã bò rất nhanh và thành thạo. Động tác bò có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của hai bán cầu não. Do vậy mẹ hãy khuyến khích bé bò thật tích cực nhé! Mẹ có thể tạo các chướng ngại vật nhỏ từ gối hoặc đệm sofa để bé bò qua lại. 

Cầu thang cũng là một thử thách thú vị. Mẹ hướng dẫn bé bò lên từng bậc một hoặc tạo ra các bậc thang an toàn và phù hợp với bé hơn bằng cách xếp các miếng đệm sofa kết hợp với các đồ nội thất phù hợp và an toàn sẵn có… Mẹ cần ở bên cạnh để đảm bảo tính an toàn. Một gợi ý nhỏ cho mẹ là làm thanh chắn cầu thang từ bậc thứ tư của cầu thang để bé được luyện tập những bậc thang thấp và đỡ nguy hiểm hơn.

Cầu thang cũng là một thử thách thú vị

Lúc này bé không chỉ nhận biết được những sự vật trực quan ở xung quanh như con vật, đồ vật, mà còn phân biệt được những thứ thuộc về cảm giác như các cảm xúc, mùi hương, âm thanh và các trải nghiệm khác nhau khi sờ chạm. Bởi vậy việc mẹ cần làm là tương tác tích cực và cung cấp cho bé những chất liệu phong phú để trải nghiệm. 

Đây có thể là bất cứ thứ gì dễ thấy trong cuộc sống hàng ngày như những miếng vải cotton, miếng len hay một quả bóng nhựa, bóng cao su, bóng vải… Hoặc mẹ có thể cho bé hít hà mùi hương hoa bưởi, hoa nhài… sẵn có trong vườn nhà.

Mẹ đừng quên gọi tên mọi sự vật, sự việc mà bé đang nhìn hoặc nghe thấy. Nếu bé biểu hiện mong muốn bằng điệu bộ hay nét mặt, mẹ hãy dịch mong muốn đó thành lời nói đơn giản và đáp ứng nhu cầu của bé. Theo cách này, bé hiểu rằng có thể dùng từ ngữ để thể hiện bản thân. 

Bé bắt đầu có nhu cầu tự ăn. Nếu để đồ ăn trước mặt, bé sẽ bốc và cho vào miệng. Ăn uống không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội giúp bé khám phá hương vị, kết cấu của đồ ăn. Mẹ có thể cho bé vào bếp sờ chạm, ngửi, phân biệt độ nặng hay nhẹ, to hay bé, nhẵn mịn hay sần sùi của các loại rau củ quả trong nhà bếp.

Cách chơi với trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi

Cách đơn giản để mẹ hỗ trợ bé tập thể dục cho đôi chân của mình và chuẩn bị cho giai đoạn tập đi sắp tới là cho bé tập đi men trên nhiều chất liệu khác nhau. Bé có thể không cần một đôi giày hay dép đâu ạ. Một đôi chân trần dò dẫm trên những bề mặt nhẵn phẳng hay sần sùi, gồ ghề không chỉ rèn luyện đôi chân mà còn đem lại những trải nghiệm phong phú cho bé.

Lúc này dù là trườn, đi men hay bò theo cách nào đi nữa thì bé đã có thể di chuyển khắp nơi trong phòng. Mẹ hãy cùng bé chơi trốn tìm nhé. Đầu tiên mẹ trốn sau đồ vật sao cho bé nhìn thấy mẹ biến mất và bé háo hức bò đi tìm. Rồi đến phiên mẹ làm ra vẻ đuổi bắt để bé bò đi trốn. Mẹ đừng quên thể hiện niềm vui mừng hớn hở khi hai mẹ con tìm thấy nhau. Đây là một trong những trò chơi con không bao giờ chán.

Bé háo hức khám phá thế giới xung quanh

Và cũng vì khả năng di chuyển linh hoạt hơn trước nên bé càng háo hức khám phá thế giới xung quanh. Trong quá trình bận rộn tìm hiểu những kết cấu khác nhau của đồ vật đó bé có thể tháo rời đồ vật trong tầm tay hoặc xé rách mất vài cuốn sách. 

Bé cần được thỏa mãn với những trải nghiệm vừa được khám phá ra nên lời khuyên cho mẹ là hạn chế tổn thất bằng những thay đổi nho nhỏ như: cho bé một chồng giấy báo thay vì những cuốn sách để bé tập vò, xé; cho bé những miếng đồ chơi ghép hình loại lớn thay vì để bé tháo rời đồ đạc. 

Trong khi mẹ làm bếp, mẹ cũng có thể khiến bé bận rộn bằng cách để dành cho bé một ngăn tủ bếp thấp vừa tầm của bé với những đồ làm bếp an toàn như các loại muôi, thìa, hộp, chai, lọ nhựa, nồi có vung… 

Cách chơi với trẻ sơ sinh 11 tháng tuổi

Bước sang giai đoạn này, từ một anh chàng hay cô nàng chuyên “phá hoại” đồ đạc trong nhà, bé đã trở thành một người thợ học việc miệt mài lắp ghép mọi thứ vào nhau. Bởi thế mẹ hãy cùng bé chơi những trò chơi tỉ mỉ như ghép hình với hai miếng ghép lớn, thả tiền xu vào ống tiết kiệm, cắm chìa khóa vào ổ khóa… Một món đồ nữa mà các bé tầm này rất thích thú đó là xe ô tô đồ chơi. Mẹ có thể thấy bé say sưa bò ra sàn nhà di qua lại, ngắm nghía bánh xe chuyển động và rì rầm “brum brum”

Bé biết thực hiện một động tác quan trọng cho thấy sự phát triển tổng hợp các kỹ năng và giác quan, đó là “chỉ tay”. Mẹ đừng quên mô tả cho bé nghe mọi thứ trong cuộc sống xung quanh và luôn khen ngợi khi bé chỉ trỏ và bập bẹ phát âm sau khi nghe thấy một từ hoặc nhìn thấy một sự vật hay sự việc. 

Những từ bé bập bẹ lúc này có thể nghe rất buồn cười và chỉ có mẹ mới dịch được. Tuy vậy, mẹ đừng cố gắng sửa lỗi phát âm của bé vì chỉ làm hỏng niềm vui thích mà không có tác dụng gì trong việc cải thiện khả năng nói. Một lưu ý nữa là mẹ luôn nói với bé bằng ngôn ngữ chuẩn thay vì nói ngọng đi theo kiểu trẻ con mà mọi người thường làm. Theo cách này, dần dần bé sẽ học được cách phát âm chuẩn.

Cách chơi với trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi

Bây giờ bé đã có thể tụt xuống ghế hoặc bò lên cầu thang rất nhanh. Em bé hiếu kỳ của mẹ có thể không phân biệt được đâu là giới hạn của sự nguy hiểm. Bởi vậy, lúc này mẹ cần sắp xếp lại ngôi nhà một chút để phù hợp với bé hơn. Những món đồ dễ vỡ hay nguy hiểm mẹ nên cất hẳn đi thay vì để bé nhìn thấy và ngăn cấm. 

Mẹ hãy tạo điều kiện cho bé được thoải mái nhìn ngắm, sờ chạm, ngửi nếm những gì bé hứng thú từ môi trường xung quanh. Đồ đạc trong nhà nên gọn gàng nhất có thể. Mẹ có thể sắp xếp đồ chơi và sách của bé lên những chiếc giá thấp vừa tầm tay của bé. Mẹ lưu ý chỉ xếp 2-3 món đồ để bé học cách lựa chọn và luân chuyển xoay vòng để bé được tập luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng. Theo cách này, mẹ cũng dần dần xây dựng cho bé nếp cất đồ gọn gàng sau khi dùng xong.

Mẹ cùng bé thiết lập thói quen đánh răng hàng ngày

Bé còn nhỏ nên sẽ có nhiều lúc chưa hiểu được hết những lời mẹ giải thích nên tỏ ra bực bội và cáu gắt khi không được phép làm việc bé cho là đúng. Mẹ nên “đánh lạc hướng” con sang một hoạt động khác để con quên đi việc đang làm. Mẹ cũng đừng quên khen ngợi khi bé làm đúng để bé dần hiểu được đâu là hành vi tốt hay không tốt.

Bé tỏ ra vui vẻ thích thú khi được mẹ nhờ giúp việc nhà như nhặt quần áo cho vào giỏ, lấy đồ gì đó đưa cho mẹ, cầm khăn quẹt qua quẹt lại để lau bàn… Bé cũng cố gắng thực hiện những việc vệ sinh cá nhân như tự kéo tất ra khỏi chân, tự cầm bàn chải bắt chước đánh răng, một tay cầm dép, một tay cầm chân và cố gắng ấn vào nhau… Cho dù bé còn vụng về nhưng mẹ hãy tạo cơ hội cho bé được tự lập trong khả năng mẹ nhé!

Nguồn: POH

HiChiu
Logo