Các món cháo cho bé 7 tháng tuổi dễ làm, ngon mà đầy đủ dinh dưỡng
Nội dung bài viết
Sau khi đã trải qua tháng đầu tiên trong hành trình ăn dặm, sang tháng tuổi thứ 7, bé cần mẹ cần đa dạng trong thực đơn và cách chế biến món ăn để tạo thêm niềm vui, sự hứng thú trong trải nghiệm món ăn mới cũng như cung cấp đa dạng hơn về dưỡng chất giúp bé phát triển đầy đủ về thể chất và trí não.
Cháo cho bé 7 tháng có thể nấu với gì?
Giai đoạn này, bé vẫn đang làm quen với việc ăn dặm, các loại rau củ quả tươi sạch là sự lựa chọn tối ưu do chứa nhiều vitamin và chất xơ phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Đồng thời, thay vì nêm các loại gia vị vào cháo, mẹ hãy tận dụng vị ngọt tự nhiên của rau củ quả để giúp bé ăn ngon miệng và tốt cho sức khỏe hơn mẹ nhé.
Tháng thứ 7 này, ngoài nhóm tinh bột và rau củ quả mẹ có thể giới thiệu thêm nhóm chất đạm cho bé. Mẹ sẽ sắp xếp xen kẽ cháo mặn và cháo ngọt để bé thích nghi dần với đạm động vật.
Các món cháo ngọt thơm ngon và bổ dưỡng cho bé mẹ có thể tham khảo các món cháo cho bé 6 tháng tuổi tại đây!
Bé 7 tháng ăn được những loại thịt gì?
Nấu cháo mặn cho bé 7 tháng tuổi, mẹ nên bắt đầu với những loại đạm lành tính và dễ tiêu hóa như thịt lườn gà, cá quả, lòng đỏ trứng… Thịt trắng có chứa ít cholesterol hơn so với các loại thịt nâu và thịt đỏ nên phù hợp để hệ tiêu hóa của bé tập làm quen.
Bên cạnh đó, mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại đạm bằng cách xen kẽ đạm động vật với đạm thực vật như đậu phụ, các loại đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ …
Lượng cháo cho bé 7 tháng
Đối với bé 7 tháng tuổi, sữa vẫn đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, ăn dặm chỉ nên ở mức 1-2 bữa 1 ngày. Tùy theo cách sắp xếp lịch ăn dặm và lịch sinh hoạt, mẹ điều chỉnh lượng ăn của bé. Sau đây là lượng ăn dặm 1 ngày cho bé 7 tháng tuổi theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng:
- Nhóm tinh bột: 20 – 30 gr
- Nhóm đạm: 20-30 gr
- Nhóm vitamin, chất khoáng và chất xơ: Rau củ: 20 gr; Quả chín: 50 – 100 gr
- Nhóm chất béo: 6 – 10 ml
Bé 7 tháng ăn cháo dinh dưỡng được chưa? Khi nấu cháo cho bé, mẹ chỉ cần lưu ý lựa chọn đầy đủ các nhóm chất với hàm lượng phù hợp với tháng tuổi của bé, thế là đã có cháo dinh dưỡng cho bé rồi đó mẹ!
Tuy nhiên, lượng ăn chỉ mang tính tham khảo, có những em bé đến tận tháng thứ 7 này mới sẵn sàng cho việc ăn dặm. Vì thế mà bé có thể ăn rất ít và thậm chí là không ăn gì. Mẹ đừng vội sốt ruột ép bé ăn nhé! Bé đang tập làm quen từng chút một đó mà!
Ngoài ra, mẹ cũng nên ưu tiên để bé được ngồi ăn cùng cả gia đình. Nhờ được quan sát mọi người ăn uống, bé dần học được các kỹ năng một cách tự nhiên. Thêm vào đó, không khí đầm ấm của bữa ăn gia đình có tác động tích cực đến nhận thức của bé và giúp bé phát triển tâm lý, cảm xúc lành mạnh.
Các món cháo cho bé 7 tháng tuổi
3.1 Cháo trứng gà thơm ngon cho bé biếng ăn
Trứng gà tuy là nguyên liệu thông dụng và bổ dưỡng nhưng với trẻ sơ sinh, tùy cơ địa mà bé có thể bị dị ứng ở nhiều mức độ, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mẹ nên thử với một lượng nhỏ rồi mới tăng dần đến tối đa nửa lòng đỏ/bữa và chỉ nên ăn 2-3 bữa một tuần. Nếu bé có biểu hiện dị ứng, mẹ nên dừng ngay và sẽ thử lại khi bé lớn hơn.
Đây là món cháo cực đơn giản với những nguyên liệu sẵn có trong bếp. Cháo trứng gà xứng đáng là vị cứu tinh trong những ngày mẹ bận rộn, bởi chỉ trong khoảng 10 phút mẹ đã có món cháo bùi bùi béo béo cho bé ăn dặm cực ngon và dinh dưỡng. Mẹ hãy đưa món cháo trứng gà vào thực đơn ăn dặm cho bé biếng ăn ngay nhé!
Thời gian chế biến: 30 phút
Nguyên liệu:
- Cháo trắng
- Lòng đỏ trứng gà
- Lòng đỏ trứng gà
Cách chế biến:
- Mẹ múc cháo trắng vào nồi, thêm nước nấu thật nhuyễn nhừ. Nếu mẹ đang băn khoăn về cách nấu cháo rây cho bé 7 tháng thì giai đoạn này, bé đã có thể ăn được cháo thô hơn một chút. Do đó mẹ có thể dùng gạo vỡ để nấu và thay vì lọc qua rây, mẹ chỉ cần dùng thìa miết cho hạt cháo nát là được.
- Tiếp theo, mẹ tách lòng trắng trứng, chỉ giữ lại lòng đỏ và đánh tan. Để đảm bảo trứng chín kỹ hoàn toàn, mẹ có thể luộc trứng rồi lấy riêng lòng đỏ ra và tán nhuyễn.
- Mẹ cho trứng vào cháo và khuấy đều trong vòng vài phút cho chín kỹ.
- Cuối cùng mẹ tắt bếp, cho thêm một thìa nhỏ dầu ăn vào rồi khuấy đều vài để nguội một chút. Mẹ nên cho bé ăn cháo trứng khi còn ấm nóng để cháo không bị tanh.
Để đổi bữa cho bé, mẹ có thể thay cháo trắng bằng bột yến mạch nhé. Yến mạch giàu vitamin và khoáng chất rất có lợi cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Ngoài cháo trứng gà cơ bản, mẹ có thể kết hợp thêm nhiều loại rau củ khác như cà rốt, cải bó xôi, cà chua, rau ngót… Mẹ chỉ cần rửa sạch, nấu chín rau củ và xay nhuyễn rồi trộn vào cùng cháo trứng gà. Vị bùi béo của trứng gà kết hợp với rau củ thơm ngọt hẳn là bé sẽ hào hứng lắm đây!
3.2 Cháo thịt gà bổ dưỡng
Thịt gà ở các vị trí khác nhau có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Với bé 7 tháng mẹ chỉ nên chọn thịt lườn gà để nấu cháo cho bé do có ít calo và cholesterol hơn. Thịt gà có chứa sắt, kẽm, canxi, photpho, acid béo và các vitamin A, C, B12 không chỉ tốt cho sự phát triển của hệ xương, hệ tuần hoàn mà còn giúp tăng sức đề kháng cho bé.
Thời gian chế biến: 30 phút
Nguyên liệu:
- Gạo: 40 gr
- Thịt lườn gà: 30 gr
- Hành tím, gừng
- Nước luộc gà
- Dầu ăn
Cách chế biến:
- Mẹ vo sạch gạo, cho vào nồi cùng nước luộc gà để nấu cháo. Trong khi đó mẹ sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Thịt gà rửa sạch, băm thật nhỏ rồi hòa với nước để riêng
- Hành tím và gừng băm nhỏ rồi phi thơm với dầu ăn để có dầu hành gừng.
- Mẹ cho thịt gà vào nồi cháo nấu cho chín nhừ thì tắt bếp rồi thêm dầu hành gừng.
Ngoài ra mẹ có thể kết hợp cháo gà với các loại đậu như đậu xanh, hạt sen hoặc các loại rau củ như cà rốt, nấm hương, mồng tơi… Mỗi sự kết hợp lại đem lại trải nghiệm mới mẻ về vị giác giúp bé ăn dặm thật hào hứng
Cách làm cháo thịt heo cũng tương tự như cháo thịt gà nha ba mẹ. Mình thay thịt gà bằng thịt heo và nước luộc heo không cần thêm hành, gừng.
3.3 Cháo cá ngọt mát cho bé phát triển trí não
Trong nhóm đạm động vật, cá chứa nhiều protein, các vitamin và khoáng chất mà hệ tiêu hóa nhạy cảm của bé dễ hấp thụ. Thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất trong cá là các chất béo không no đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của não bộ. Với bé 7 tháng tuổi, mẹ nên chọn các loại cá thịt trắng, mềm và ít xương.
Thời gian chế biến: 30 phút
Nguyên liệu:
- Gạo: 40 gr
- Cá: 30 gr (cá hồi, cá basa, cá diêu hồng,…)
- Rau củ các loại (cà rốt, khoai lang, khoai tây,…)
- Dầu ăn
Cách chế biến:
- Đầu tiên, mẹ vo sạch gạo, cho vào nồi nấu thật nhừ. Trong lúc đó mẹ làm cá thật sạch, khử tanh, gỡ xương và lựa thịt thật kỹ. Phần thịt cá mẹ xay hoặc băm nhuyễn
- Các loại củ quả có thể là cà rốt, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, su su… Mẹ gọt sạch vỏ, cắt khoanh hoặc miếng vừa rồi cho vào nồi hấp chín
- Các loại rau lá mẹ có rất nhiều lựa chọn với mồng tơi, rau ngót, cải bó xôi, cải kale… Mẹ nên chần rau qua nước sôi rồi bỏ nước này đi để hạn chế axit oxalic tự nhiên có trong lá nhưng không tốt cho sức khỏe. Sau đó mẹ xay rau thật nhỏ hoặc nghiền nhuyễn
- Sau khi đã sơ chế xong các nguyên liệu, mẹ múc một lượng cháo trắng vừa đủ vào nồi nhỏ, cho thịt cá vào khuấy đều cho chín hẳn. Mẹ cho phần rau củ vào nấu thêm trong vòng vài phút để giữ được đầy đủ vitamin mà không bị phân hủy bởi nhiệt độ cao. Cuối cùng mẹ tắt bếp và thêm một thìa nhỏ dầu ăn.
- Ngoài ra mẹ có thể kết hợp cháo gà với các loại đậu như đậu xanh, hạt sen hoặc các loại rau củ như cà rốt, nấm hương, mồng tơi… Mỗi sự kết hợp lại đem lại trải nghiệm mới mẻ về vị giác giúp bé ăn dặm thật hào hứng.
Cháo cá rau củ rất lành tính, có vị ngọt mát mẹ có thể cho bé ăn thường xuyên.