Hiểu về biểu đồ tăng trưởng, để lưu lại quá trình phát triển của bé
Nội dung bài viết
Bạn có thấy là hầu hết khi mọi người hỏi thăm về em bé đều là hỏi về cân nặng hay chiều cao, hay khi đi tiêm chủng bác sỹ thường đưa chúng ta điền các thông tin vào biểu đồ tăng trưởng để chúng ta lưu giữ.
Vậy biểu đồ tăng trưởng là gì?
Biểu đồ tăng trưởng có ý nghĩa như thế nào với chiều cao, cân nặng và sức khỏe cũng như sự phát triển của bé?

Mỗi em bé đều có tốc độ phát triển riêng
Theo truyền thống và thói quen, khi đánh giá sự phát triển của một em bé, chúng ta thường chỉ quan tâm đến các yếu tố đơn thuần như cân nặng, chiều cao, mà quên mất rằng các tiêu chí tổng hợp để đánh giá sự phát triển của em bé còn bao gồm tổng hòa của các yếu tố như: các mốc kỹ năng vận động, thể hiện cảm xúc, nhận thức.
Trong đó biểu đồ tăng trưởng chỉ để theo dõi chiều cao cân nặng, chu vi vòng đầu thì đang tạo ra nhiều hiểu lầm từ chính tên gọi của nó, biểu đồ đã tạo ra khái niệm “chuẩn” hay “không chuẩn” trong quá trình theo dõi và đánh giá sự phát triển của bé.
Biểu đồ tăng trưởng hoàn toàn không phải bảng đo lường hay để đánh giá sức khỏe của bé.
Biểu đồ tăng trưởng được tạo ra như thế nào?

Biểu đồ tăng trưởng
Biểu đồ tăng trưởng thu thập dữ liệu từ một nhóm trẻ em nhất định được chọn mẫu để thống kê. Do vậy nó sẽ không thể đại diện cho tất cả trẻ em khác nhau về chủng tộc, màu da, dân tộc, ảnh hưởng của khí hậu… Biểu đồ còn mặc định trẻ em được chọn mẫu được nuôi dưỡng trong cùng một điều kiện sống như chế độ ăn uống, được sống trong môi trường thoải mái, an toàn.
Biểu đồ tăng trưởng phân loại trẻ em theo giới tính (bé trai/bé gái) và độ tuổi (0-5 tuổi) và dùng các đường phân phối để biểu thị vị trí của các giá trị trong tập dữ liệu được thu thập.
Ví dụ: cân nặng của con bạn nằm ở mức thứ 25% có nghĩa là có 25% số trẻ ở cùng độ tuổi được khảo sát có cân nặng bằng hoặc ít hơn con bạn và 75% thì cao hơn.
Các số liệu này chỉ có ý nghĩa thống kê cân nặng nào chiếm đa số chứ hoàn toàn không khẳng định được cân nặng nằm ở đường 75% thì tốt hơn đường 25%.
Biểu đồ tăng trưởng để làm gì?

Theo dõi và lưu lại thông tin chiều cao, cân nặng của bé theo thời gian.
Mục đích của biểu đồ tăng trưởng là để các bác sĩ theo dõi trẻ em theo thời gian, lưu lại được quá trình phát triển của bé. Khi các con số của bé trong một khoảng thời gian nhất định đều nằm ngoài khoảng trung bình, hoặc liên tục không có sự phát triển, hoặc đột ngột thay đổi sau một thời gian ổn định thì các bác sĩ sẽ kết hợp cùng các yếu tố khác để đưa ra khuyến cáo.
Bạn lưu ý là trong một khoảng thời gian nhất định và phải kết hợp cùng nhiều yếu tố khác. Nhiều bạn cứ đến kỳ đưa con đi tiêm chủng, người ta cân con mình lên để xác định lượng thuốc cần có, là lại gióng con số đó vào biểu đồ. Thế rồi tá hỏa lên lo lắng sao mà cao thế, sao lại thấp thế, rồi đi hỏi khắp các mẹ khác. Điều bạn cần quan tâm là con bạn đang thay đổi như thế nào.
Đâu đó đường tăng trưởng có thể chững lại một chút cũng không phải là vấn đề.
Nuôi con là một chặng đường dài bền bỉ và mỗi em bé đều có tốc độ phát triển của riêng mình. Khi mà bạn dẹp hết những so sánh, kỳ vọng, những tiêu chuẩn sang một bên thì bạn có thể nuôi con trong trạng thái bình yên, hạnh phúc.
Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ, bạn có thể đến các trung tâm y tế để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.
Nguồn: Wikipedia