Nên vắt sữa bằng tay hay bằng máy? Nên vắt sữa bằng tay không? Bí quyết vắt sữa bằng tay giúp sữa về nhanh và nhiều
Vắt sữa bằng tay là một kỹ thuật mà mẹ dùng tay thay vì dùng máy hút sữa để lấy sữa mẹ ra khỏi bầu ngực. Kỹ năng này khá dễ học và là một kỹ thuật tốt mẹ cần biết và thực hành khi bắt đầu cho con bú để luôn sẵn sàng khi cần. Trong đó, vắt sữa bằng tay về mặt nguyên tắc cũng tương tự như kích sữa bằng máy nhưng quan trọng nhất là kỹ năng vắt.
Cùng mẹ giải đáp các thắc mắc: Nên vắt sữa bằng tay hay bằng máy? Có nên vắt sữa bằng tay không? Tại sao nhiều mẹ lại muốn vắt sữa bằng tay trong khi có thể sử dụng máy hút sữa?
1. Khi nào nên vắt sữa bằng tay?

Vắt sữa bằng tay là kỹ năng mà mẹ nào cũng nên có khi nuôi con nhỏ
Hiện nay, máy hút sữa rất đa dạng về chủng loại và mức giá để mẹ thoải mái lựa chọn. Mẹ còn có thể mua máy hoặc thuê máy rất dễ dàng. Tuy vậy, dù máy hút sữa gần như không thể thiếu đối với hành trình nuôi con bằng sữa mẹ và cả công cuộc kích sữa cho bé, nhưng vẫn có những tình huống mẹ nhất định phải biết cách vắt sữa và kích sữa bằng tay đó!
- Vắt sữa bằng tay kích thích phản xạ xuống sữa một cách tự nhiên nên sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc hút sữa bằng máy.
- Máy hút sữa của mẹ bỗng ngừng hoạt động và cần được đi bảo hành. Hoặc mẹ ra ngoài mà quên mang sạc cho máy hút sữa.
- Vú của mẹ căng và cứng ngay trước khi cho con bú, vì vậy mẹ có thể vắt một ít sữa mẹ ra để làm mềm vú và giúp bé dễ ngậm vú hơn.
- Ngực của mẹ trở nên căng và khó chịu khi mẹ không có con và mẹ cũng không có máy hút sữa bên mình.
- Mẹ đang thu thập sữa non cho bé sơ sinh và vì chỉ có một lượng nhỏ nên mẹ muốn lấy càng nhiều càng tốt và đảm bảo sữa không bị đọng trong máy hút.
- Mẹ bị nứt đầu ti và việc cho bé bú trực tiếp hay sử dụng máy hút sữa đều khiến mẹ đau đớn.
Nhiều khi vắt sữa bằng tay trở thành lựa chọn duy nhất. Và lúc này mẹ cần biết cách vắt sữa bằng tay đúng cách và biến nó trở thành một kỹ năng thông thạo.
2. Các bước vắt sữa và kích sữa bằng tay nhanh và hiệu quả
Vắt sữa bằng tay và kích sữa bằng tay là những kỹ năng quan trọng trong giai đoạn chăm sóc trẻ sơ sinh. Cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, có thể mất thời gian để mẹ học cách thực hiện đúng và hiệu quả. Dưới đây là các bước vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách:
Trước khi tiến hành vắt sữa, mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ hút sữa mẹ bằng tay, bao gồm: bình đựng sữa, cốc hoặc túi trữ sữa đã được tiệt trùng và làm khô.
Bước 1: Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước rồi lau khô.
Bước 2: Thư giãn
- Mẹ ngồi/ đứng ở tư thế thoải mái và cố gắng thư giãn toàn bộ cơ thể. Mẹ có thể đặt một chiếc khăn ấm lên bầu ngực hoặc nhẹ nhàng xoa bóp bầu ngực trong vài phút trước khi bắt đầu để giúp sữa mẹ chảy ra.
- Em bé của mẹ là “chất xúc tác” tự nhiên nhất giúp tăng tiết sữa mẹ. Nếu bé không có ở bên cạnh, mẹ có thể xem lại ảnh, video hoặc một tấm chăn có mùi hương của con. Mẹ cũng có thể thử các cách thư giãn khác như âm nhạc để giúp cơ thể thả lỏng.
Bước 3: Kích sữa bằng cách massage ngực
- Mẹ dùng khăn ấm (khoảng 60-70 độ) để chườm lên ngực. Nếu mẹ đang bị tắc tia sữa thì cần dùng tay ấn hoặc xoa nhẹ nhàng các cục tắc để làm tan dần rồi massage nhẹ nhàng khắp bầu ngực.
- Mẹ dùng 2 đầu ngón tay (ngón tay trỏ và giữa) xoa tròn xung quanh tại khắp các vị trí ở bầu ngực. Tiếp đó mẹ nắm nhẹ bàn tay, dùng mặt sau các ngón tay để xoay thành vòng tròn như trên
Bước 4: Kích sữa bằng massage đầu ti

Massage là bước quan trọng giúp mẹ kích sữa một cách tự nhiên
Mẹ dùng 2 ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) vê tròn thành chuyển động lăn để massage hai đầu ti.
Bước 5: Vắt sữa mẹ bằng tay
- Khi mẹ có cảm giác râm ran hoặc châm chích ở ngực, nghĩa là sữa bắt đầu xuống, mẹ bắt đầu vắt sữa.
- Đặt ngón tay cái của mẹ trên đỉnh vú và các ngón tay bên dưới vú sao cho bàn tay của mẹ có hình chữ C.
- Dùng tay kia cầm cốc lấy sữa sạch hoặc bình trữ sữa để gần núm vú.
- Mẹ dùng tay ấn nhẹ vào bầu ngực, sau đó vuốt xuôi xuống phía đầu ti, rồi nới lỏng tay và lặp lại. Tiếp đó các ngón tay chuyển động lăn nhẹ nhàng để di chuyển sữa mẹ ra khỏi ống dẫn sữa. Mẹ lưu ý dùng lực ấn nhẹ nhàng vì khi đã massage đúng cách, sữa sẽ dễ dàng chảy ra từ ống dẫn sữa. Hơn nữa, mô vú của mẹ nhạy cảm, dễ bị tổn thương khi dùng lực quá mạnh.
- Mẹ rướn người về phía trước một chút để thu sữa mẹ đang nhỏ giọt hoặc phun ra khỏi núm vú của mẹ. Hãy cẩn thận lấy sữa mẹ vào cốc mà không để sữa chạm vào tay mẹ trước.
3. Nên vắt sữa trong bao lâu?

Cách vắt sữa bằng tay
Mẹ vắt sữa từng bên vú như trên với tốc độ đều đặn, nhịp nhàng trong khoảng 5-7 phút hoặc khi mẹ giảm bớt tình trạng căng sữa. Nếu mẹ có ý định vắt sữa bằng tay hoàn toàn, mẹ hãy lặp lại bước massage ở trên rồi xoay tay sang vị trí khác xung quanh núm vú (C, U, C ngược, U ngược) để vắt được hết sữa từ tất cả các vùng của vú.
4. Ưu và nhược điểm của cách vắt sữa và kích sữa bằng tay
- Tự nhiên và hiệu quả về chi phí
- Không cần thiết bị, không mất thời gian làm vệ sinh máy móc
- Yên tĩnh
- Mẹ có tâm lý thoải mái và sẵn sàng hơn
- Có thể kết hợp với hút sữa bằng máy
- Yêu cầu thực hành
- Mất thời gian
- Không phù hợp với tất cả mọi người
Ưu điểm
Có nhiều mẹ thắc mắc rằng: “Vắt sữa bằng tay có tốt không?”. Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào quỹ thời gian, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tiết sữa của từng mẹ.
Tuy nhiên, những lợi ích mà vắt sữa bằng tay cũng khá rõ ràng. Nếu mẹ vắt sữa mẹ bằng tay trước và sau khi sử dụng máy hút sữa, mẹ có thể nhận được nhiều sữa mẹ hơn so với việc chỉ hút sữa. Cách kích sữa bằng tay giúp kích thích được phản xạ xuống sữa tốt hơn hút sữa bằng máy. Vắt sữa bằng tay còn giúp mẹ tiết kiệm được khoản chi phí mua máy hút sữa, không phải cọ rửa, khử trùng máy hút sữa.
Ngoài ra một số người không thích cảm giác hoặc âm thanh của việc sử dụng máy hút sữa.
Với cách vắt sữa bằng tay, mẹ có thể sẵn sàng vắt sữa bất cứ khi nào cần thiết. Hơn nữa, mẹ có thể nhận thấy bất kỳ thay đổi đáng lưu ý nào ở ngực một cách nhanh chóng.
Nhược điểm
Mẹ cần phải luyện tập để có thể vắt sữa mẹ bằng tay thành thạo. Vì vậy, mẹ sẽ phải đầu tư một chút thời gian để thực hành nhuần nhuyễn và cảm thấy thoải mái với nó. Nếu mẹ vắt sữa bằng tay hoàn toàn thì khá tốn thời gian, mỏi tay, trong khi sử dụng máy hút sữa có thể nhanh hơn và hiệu quả hơn cho mẹ.
Khi dùng máy hút sữa bằng điện mẹ chỉ cần lắp vào và để máy tự chạy. Khi đó, mẹ vẫn có thể rảnh tay làm việc nhà, làm việc với máy tính hoặc tìm hiểu thông tin hỗ trợ cho việc chăm sóc bé.
Vắt sữa bằng tay vẫn là kỹ năng không thể thiếu trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Đây cũng là cách hiệu quả để kích sữa một cách tự nhiên. Mẹ có thể linh hoạt phối hợp vắt sữa bằng tay và máy hút sữa để phù hợp nhất với quỹ thời gian cá nhân và quan trọng nhất là mẹ và con cùng thoải mái. Ngoài ra, mẹ có thể tìm xem cách vắt sữa bằng tay của mẹ đã có kinh nghiệm để biết cách kích sữa và vắt sữa sao cho hiệu quả.
Nguồn tham khảo:
Hichiu.com sử dụng các nguồn tài liệu được kiểm định nghiêm ngặt và dựa trên các nghiên cứu đã được bình duyệt, các tổ chức nghiên cứu học thuật và các hiệp hội y tế. Chúng tôi tránh sử dụng tài liệu trôi nổi không đáng tin cậy.
Mohd Shukri NH, Wells JCK, Fewtrell M. The effectiveness of interventions using relaxation therapy to improve breastfeeding outcomes: A systematic review. Matern Child Nutr. 2018;14(2):e12563. doi:10.1111/mcn.12563
Altuntaş N, Ünsal A. Which hand position in breastfeeding is better for milk intake: Palmar grasp or scissor grasp? A pilot study. Breastfeed Med. 2019;14(9):662-665. doi:10.1089/bfm.2019.0126
University of Michigan Health System. Hand expression technique. Updated 2015.
Stanford Medicine. Hand expression of breastmilk.
Lawrence RA, Lawrence RM. Breastfeeding A Guide For The Medical Profession, Seventh Edition. Elsevier; 2011.
Ohyama M, Watabe H, Hayasaka Y. Manual expression and electric breast pumping in the first 48 h after delivery. Pediatr Int. 2010;52(1):39-43. doi:10.1111/j.1442-200X.2009.02910.x
Riordan J, Wambach K. Breastfeeding and Human Lactation, Fourth Edition. Jones and Bartlett Learning; 2014.