Bé Mấy Tháng Tập Ngồi? Tác Động Bất Ngờ Khi Bé Tập Ngồi Sớm Hoặc Muộn
Nội dung bài viết
Ba mẹ nào cũng luôn lo lắng nếu như con yêu phát triển chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Biết ngồi sớm hay muộn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ba mẹ. Vậy bé mấy tháng tập ngồi? Bé 5 tháng tập ngồi được chưa? Cho bé tập ngồi sớm có bị gù lưng không? Dấu hiệu em bé muốn ngồi là gì? Cách giúp bé nhanh biết ngồi? Mẹ hãy theo dõi bài viết này nhé!

Có nên cho bé tập ngồi sớm?
1. Bé mấy tháng tập ngồi?
Ngồi là một trong các mốc vận động quan trọng của trẻ sơ sinh, vì thế cũng cần tuân theo khả năng phát triển tự nhiên của bé. Vậy khi nào bé biết ngồi? Trẻ sơ sinh học cách tự ngồi dậy vào khoảng thời gian từ 4 đến 8 tháng tuổi. Quá trình này diễn ra từ từ và không giống nhau ở trẻ. Mẹ sẽ thấy có những bé biết ngồi từ 4 tháng tuổi, nhưng cũng có những bé muộn hơn vài tháng.
Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ bé tập ngồi khi bé đã sẵn sàng bằng cách giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết và củng cố các cơ bắp quan trọng.
Có nên cho bé tập ngồi sớm?
Hệ cơ và xương của trẻ sơ sinh rất yếu, chưa đủ độ cứng và đàn hồi, do đó dễ dàng bị biến dạng nếu phải chịu những tác động không phù hợp. Khi bé ở tư thế ngồi, cột sống đóng vai trò là khung chịu lực nâng đỡ toàn bộ phần thân trên.
Mẹ sẽ dễ dàng nhận ra điều này khi đặt bé vào tư thế ngồi ếch mà tay bé nhoài về phía trước do không đủ sức chống đỡ. Bé cần thêm thời gian để cơ và xương phát triển cứng cáp hơn.
Tập ngồi quá sớm khiến cột sống của bé còn non nớt đã phải chịu áp lực quá lớn. Về sau này bé dễ bị đau lưng, gù lưng và khiến xương cột sống của bé phát triển không bình thường. Do đó, việc tập cho bé ngồi sớm khi bé chưa sẵn sàng hoàn toàn không có lợi mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe về lâu dài của bé
2. Dấu hiệu bé tập ngồi?

Khả năng kiểm soát đầu tốt là yếu tố quan trọng giúp bé ngồi vững vàng
Chọn thời điểm thích hợp để tập ngồi cho bé là điều hết sức quan trọng. Mẹ có thể theo dõi những biểu hiện sau đây để biết dấu hiệu em bé muốn ngồi, từ đó có cách hỗ trợ bé một cách phù hợp nhé!
Bé có thể kiểm soát đầu
Bé có thể sẵn sàng ngồi nếu kiểm soát tốt cơ đầu và cổ. Khi nằm sấp, bé có khả năng tự đẩy mình lên và rướn cao đầu để quan sát xung quanh. Từ khoảng 2 tháng tuổi, bé đã có thể làm được điều này. Vì thế mẹ cần quan sát thêm các dấu hiệu khác để quyết định cho bé tập ngồi.
Bé có nhận thức về cơ thể
Bé có thể cử động tay và chân có chủ đích hơn. Lúc này, bé cũng cảm nhận được chân và mông có thể chịu được trọng lượng cơ thể để chống đỡ khi ngồi. Bé có thể lẫy và lật thành thạo, lăn qua lăn lại và chuẩn bị bò.
Bé có thể ngồi được trong một thời gian ngắn khi được đặt vào tư thế ngồi
Mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy khi đặt bé vào tư thế ngồi ếch với hay tay chống để tạo thành kiềng ba chân, bé có thể giữ vững trong vòng vài giây. Khi thử nghiệm với dấu hiệu này, mẹ nên đặt bé trên đệm hoặc kê gối mềm xung quanh bé nhé.
3. Cách giúp bé tập ngồi, bé nhanh biết ngồi

Mẹ chính là chiếc ghế tựa êm ái nhất cho bé yêu tập ngồi
Khuyến khích bé nằm sấp
Mẹ cho bé nằm sấp nhiều nhất có thể ngay từ khi mới sinh. Nằm sấp giúp bé dduwcjowcj luyện tập cơ cổ và học cách kiểm soát phần trên của cơ thể. Đây là hai yếu tố quan trọng để bé ngồi vững mà không cần hỗ trợ. Mẹ dùng những món đồ chơi yêu thích để khuyến khích bé ngẩng cao đầu và tích cực lăn lộn. Có thể ban đầu bé sẽ tỏ ra phản đối khi mẹ đặt bé nằm sấp. Mẹ hãy kiên nhẫn mỗi ngày một chút nhé!
Cho bé làm quen với tư thế ngồi bằng cách tựa vào lòng mẹ
Khoảng 4 tháng tuổi, khi em bé có thể giữ đầu ổn định, mẹ có thể thử cho bé ngồi dựa vào lòng.
Sau đó, mẹ thử đung đưa từ từ qua lại, khuyến khích bé giữ cân bằng thân trên và thân dưới. Với tư thế này, mẹ có thể đọc sách cho bé nghe. Bé được tập luyện cơ lưng và làm quen với tư thế ngồi.
Tập cho bé những bài tập củng cố cơ bắp
Bất kể là massage trước khi đi ngủ, tập động tác đạp xe hay gập bụng bằng cách kéo tay ngồi dậy, những bài tập nho nhỏ này không chỉ giúp bé cứng cáp hơn mà còn có tác dụng gắn kết giữa mẹ và con một cách tự nhiên.
Ngoài ra có một số lưu ý quan trọng về việc sử dụng các công cụ tập ngồi cho bé giúp mẹ giải đáp những thắc mắc về ghế tập ngồi hay bé mấy tháng ngồi xe tập đi.
4. Bé biết ngồi sớm hay muộn có ảnh hưởng như thế nào?
Nhiều em bé được mẹ chú ý hỗ trợ phát triển vận động thô từ khi mới sinh có thể biết ngồi sớm từ 4 tháng tuổi. Trong trường hợp này, biết ngồi sớm đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của bé đó mẹ ạ!

Biết ngồi sớm mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của bé
Khi ngồi, tay bé được thoải mái vận động tự do để luyện tập động tác cầm nắm và được sờ chạm, khám phá đồ vật. Hơn nữa khi ngồi, tầm mắt của bé được mở rộng và cơ cổ được vận động linh hoạt giúp bé quan sát thế giới xung quanh nhạy bén hơn. Bé có nhiều thời gian để phát triển các giác quan và kỹ năng vận động tinh.
Thông thường các bé sẽ biết ngồi rồi mới biết bò. Ngồi tốt cũng là một trong những dấu hiệu trẻ sắp biết bò. Trong khi ngồi, bé phát hiện ra mình có thể đẩy cơ thể di chuyển về phía trước bằng tay và đầu gối. Từ đó, biết ngồi sớm có thể giúp bé bò nhanh hơn, kéo theo các mốc vận động thô tiếp theo phát triển nhanh chóng.
Mặt khác, bên cạnh những bé biết ngồi sớm vẫn có những bé biết ngồi muộn hơn.
Bé 9 tháng chưa tự ngồi
Mỗi em bé đều có tốc độ phát triển riêng của mình. Nếu như có bé 4 tháng biết ngồi thì cũng có bé cần nhiều thời gian hơn một chút. Bé có thể đang bận rộn với việc luyện tập các kỹ năng khác. Mẹ cần theo dõi sự phát triển tổng thể của bé để tránh bị lo lắng thái quá và vô tình gây áp lực lên bé.
Ngoài ra một số trẻ sinh non hoàn thành các mốc vận động muộn hơn so với trẻ cùng tuổi. Nếu bé sinh non, mẹ cần tính tháng tuổi thực của bé dựa trên ngày dự sinh ban đầu. Ví dụ nếu bé 9 tháng nhưng mẹ sinh sớm 2 tháng thì độ tuổi thực của bé là 7 tháng. Trong trường hợp này, bé có thể mất thêm 1-2 tháng nữa để học được cách ngồi thành thạo.
Bé 11 tháng chưa tự ngồi
Trẻ 11 tháng tuổi phát triển bình thường về vận động đã bắt đầu tập đi men hoặc đã có những động tác khéo léo phối hợp linh hoạt khi chơi đồ chơi. Nếu bé 11 tháng chưa tự ngồi được hoặc bé 12 tháng chưa tự ngồi được, mẹ cần đưa con đi khám nhi khoa ngay để có thể phát hiện vấn đề bé gặp phải và có cơ hội phục hồi tốt nhất.
Chậm phát triển vận động là dấu hiệu có thể gặp ở rất nhiều bệnh bẩm sinh có liên quan tới các bệnh lý về nội tiết và thần kinh. Bé cần được phát hiện sớm để có cơ hội điều trị thành công, càng phát hiện muộn thì khả năng điều trị càng thấp.
Từ những lợi ích của việc biết ngồi sớm, mẹ có thể dễ dàng đoán ra tác hại của việc bé biết ngồi muộn. Nếu bé biết ngồi muộn, khả năng quan sát và vận động bị hạn chế, do vậy có thể khiến các mốc quan trọng khác phát triển muộn theo. Không chỉ vậy, biết ngồi là dấu hiệu cần thiết cho thấy bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm. Ngồi thẳng lưng giúp bé dễ dàng nuốt thức ăn, hứng thú với đồ ăn hơn và tránh được nguy cơ bị hóc nghẹn.
Nguồn tham khảo: Parents.com