Ăn dặm 02: Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) là gì? Những điều cần biết về ăn dặm tự chỉ huy

Ăn dặm tự chỉ huy – Baby-led weaning (BLW) là một phương pháp ăn dặm ngày càng phổ biến để cho bé tự làm quen với những thức ăn đầu tiên, bé không ăn cháo hay thức ăn lỏng mà tiếp cận thức ăn thô ngay từ đầu và với phương pháp ăn dặm này mẹ không phải đút ăn bằng thìa cho bé mà để bé tự chọn thức ăn.

Ăn dặm tự chỉ huy hiện được rất nhiều mẹ ủng hộ vì lợi ích cũng như sự tiện lợi mà phương pháp này mang lại, bao gồm khả năng giảm thời gian chế biến thức ăn, giảm thời gian cho bé ăn, bé thèm ăn hơn, ít quấy khóc khi ăn và giúp bé ăn lượng vừa đủ với bản thân, tránh ăn quá mức gây béo phì.

Bài viết tham khảo các nghiên cứu khoa học mới nhất xoay quanh phương pháp ăn dặm do trẻ chỉ huy, những lợi ích và cách áp dụng phương pháp này một cách an toàn cho bé.

Ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) là gì - Những điều cần biết về ăn dặm tự chỉ huy

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) là gì – Những điều cần biết về ăn dặm tự chỉ huy

Ăn dặm tự chỉ huy – Baby-led weaning (BLW) là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định món ăn và cách ăn. Phương pháp ăn dặm này xuất hiện vào đầu những năm 2000 sau đó được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các mẹ.

Thay vì chuyển dần từ chế độ ăn riêng của bé từ nước cháo, sang cháo và các món rắn khi có độ tuổi lớn hơn, BLW khuyến khích cha mẹ cho bé ăn các loại thức ăn thông thường ngay từ đầu.

Ở phương pháp này, trẻ được tự ý quyết định những món mà trẻ sẽ ăn trước hay ăn sau, thích ăn hoặc không thích ăn, trẻ ăn bốc, hay tự tay cầm thức ăn đưa vào miệng theo cách mà trẻ muốn. Phương pháp này là giải pháp thay thế cho cách ăn dặm bằng thìa truyền thống trên toàn thế giới.

Cha mẹ chọn loại thức ăn nào cho trẻ, chế biến thành dạng phù hợp để trẻ có thể tự ăn một cách tốt nhất. Lần lượt, bé được tự chọn cái gì, bao nhiêu và ăn nhanh như thế nào.

Lợi ích của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

BLW là phương pháp mang tới nhiều lợi ích khác nhau cho cả mẹ và bé, từ hành vi ăn uống lành mạnh hơn đến kết quả sức khỏe lâu dài tốt hơn cho trẻ.

Thúc đẩy hành vi ăn uống tốt hơn ở trẻ

BLW đặt trọng tâm vào việc để bé tự chọn ăn gì và ăn bao nhiêu, khiến bé trở thành người tham gia tích cực vào quá trình cho ăn hơn là người tiếp nhận thụ động. Do đó, BLW thường được cho là có tác dụng thúc đẩy các hành vi ăn uống lành mạnh từ thời điểm bắt đầu đến các giai đoạn sau này trong cuộc sống.

Trong một nghiên cứu, trẻ cai sữa bằng phương pháp BLW thường đói vào đúng thời điểm bữa ăn và có khả năng nhận biết cảm giác no trong khoảng 18–24 tháng tuổi tốt hơn so với những trẻ cai sữa bằng phương pháp ăn dặm truyền thống.

Những trẻ ăn dặm với phương pháp BLW cùng ít phản ứng với thức ăn ngoài bữa ăn và  có khả năng nhận biết cảm giác no tốt, do đó bé ăn lượng thức ăn phù hợp giảm khả năng béo phì ở trẻ em.

BLW có thể giúp trẻ sơ sinh phát triển mô hình ăn uống lành mạnh dựa trên sự thèm ăn hơn là các yếu tố bên ngoài, có thể duy trì nếp sống tốt này cả thời gian sau này khi bé lớn.

Làm giảm sự quấy khóc khi bé tập ăn dặm

BLW có thể làm giảm các hành vi kén ăn và thúc đẩy bé chấp nhận nhiều loại thực phẩm hơn, vì bé được tiếp xúc sớm với nhiều khẩu vị và kết cấu món ăn.

Trong một nghiên cứu, trẻ ăn dặm theo BLW ít bị mẹ đánh giá là kén ăn khi 18-24 tháng tuổi so với trẻ ăn dặm bằng đút thìa.

Trong một nghiên cứu khác, trẻ cai sữa bằng cách dùng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ ít thích đồ ngọt hơn so với trẻ được cai sữa bằng cách cho ăn dặm truyền thống.

Ngoài ra, các mẹ chọn BLW cũng ít gây áp lực cho con mình ăn hoặc hạn chế lượng ăn vào và thường có phong cách cho ăn nhanh hơn so với những người theo phương pháp ăn dặm truyền thống.

Cho bé ăn dặm rất đơn giản

Những mẹ áp dụng BLW cho bé còn được hưởng lợi nhờ phương pháp này cho bé ăn dặm rất đơn giản. Cha mẹ không còn phải lo chế biến món cháo hay mua đồ hộp cho bé ăn. Mẹ có thể chỉ cần cho bé ăn các món phù hợp trong bữa ăn gia đình.

Ngoài ra, bé được tự lựa chọn ăn những gì và bao nhiêu để ăn, điều này có thể giảm bớt áp lực cho cha mẹ.

Nghiên cứu cho thấy các mẹ sử dụng BLW sẽ làm giảm áp lực khi cho bé ăn uống. Mẹ cũng ít lo lắng hoặc theo dõi cân nặng của con mình.

Cách áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Một số loại thực phẩm đặc biệt phù hợp với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW). Bé sẽ bắt đầu với thức ăn có kích cỡ và kết cấu phù hợp có thể giúp bé ăn dễ dàng và làm giảm thiểu rủi ro bé bị nghẹn.

Thực phẩm bé dễ tiêu thụ, phù hợp với BLW

Thực phẩm bé dễ tiêu thụ, phù hợp với BLW

Trong quá trình cai sữa và chuyển sang cho bé ăn dặm, việc cho con bé ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp chính lượng calo mà bé cần. Lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức của trẻ nên giảm dần khi lượng thực phẩm rắn ăn vào tăng lên.

Các thực phẩm khởi đầu

Dưới đây là một số loại thực phẩm bé dễ tiêu thụ, phù hợp với BLW và phù hợp với giai đoạn đầu bé mới tập ăn dặm:

  • Trái bơ
  • Khoai tây nướng hoặc khoai lang không vỏ
  • Chuối
  • Đậu hoặc đậu Hà Lan, hơi nghiền
  • Thịt xay
  • Hạt và hạt xay
  • Trứng luộc kĩ
  • Đậu lăng
  • Cháo bột yến mạch
  • Cá hồi
  • Đậu luộc chín mềm
  • Cà rốt hấp hoặc thái nhỏ
  • Bông cải xanh hấp
  • Sữa chua không đường

Đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này là cung cấp cho trẻ các loại thực phẩm giàu chất sắt vì chất dinh dưỡng này rất quan trọng trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển này của trẻ. Các thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt, trứng, cá, đậu và rau xanh.

Khi chế biến thức ăn dặm cho bé, tốt nhất là bạn nên cắt thức ăn thành từng lát nhỏ vừa phù hợp để bé có thể dễ dàng cầm, mẹ cũng nên hấp thức ăn cho bé mềm đến mức mà nướu của bé có thể dễ dàng nghiền nát.

Sau khi bạn đã chuẩn bị thức ăn phù hợp với BLW, hãy đặt một lượng nhỏ trước mặt trẻ và để trẻ tự nhặt và đưa các miếng vào miệng.

Các thực phẩm cần tránh

Một số loại thực phẩm nên tránh khi cho trẻ ăn – bất kể phương pháp ăn dặm bạn đã chọn là gì:

  • Mật ong. Mật ong có thể chứa Clostridium botulinum, là vi khuẩn có thể gây ra một dạng ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng. Bạn không nên cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi uống mật ong.
  • Trứng chưa nấu chín. Trứng chưa nấu chín có nhiều khả năng chứa Salmonella, là vi khuẩn có thể gây hại cho em bé của bạn.
  • Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng và thịt hộp. Những thứ này có thể chứa vi khuẩn Listeria monogenes, có thể gây bệnh cho bé.
  • Sữa bò tươi. Bạn nên tránh cho bé uống sữa bò tươi trước 12 tháng tuổi, vì sữa tươi không giàu chất dinh dưỡng như sữa mẹ hoặc sữa công thức, ít chất sắt và có thể làm giảm sự hấp thụ sắt từ thức ăn.
  • Sản phẩm ít chất béo. Trẻ sơ sinh cần một tỷ lệ calo từ chất béo cao hơn đáng kể so với người lớn. Vì vậy, các sản phẩm ít chất béo là không phù hợp.
  • Thực phẩm có đường, mặn hoặc được nêm nếm quá nhiều loại gia vị, hầm quá kĩ. Những thực phẩm này thường ít chất dinh dưỡng. Hơn nữa, thận của trẻ khó xử lý quá nhiều muối và đường có thể làm hỏng răng của trẻ.

Ngoài ra, khi áp dụng BLW cho bé, bạn nên tránh cho trẻ ăn những thức ăn mà trẻ có thể cắn thành từng mảng lớn bằng nướu nhưng bé lại không thể nhai được, cũng tránh cho bé ăn những thức ăn có hình dạng tự nhiên có thể gây tắc nghẽn đường thở của bé. Ví dụ như:

  • Một số loại thực phẩm thô: quả táo, cà rốt, cần tây, thân bông cải xanh, v.v.
  • Thực phẩm hình tròn hoặc hình đồng xu: nho nguyên quả, cà chua bi, xúc xích, kẹo cứng, v.v.
  • Thực phẩm cứng hoặc vụn: bỏng ngô, bánh mì cứng, các loại hạt nguyên hạt, v.v.
  • Thực phẩm dính: bơ hạt dày, kẹo dẻo, v.v.

Các biện pháp an toàn cho bé khi tập ăn dặm

Bé có thể không hoàn toàn phù hợp với phương pháp ăn dặm BLW, không có phương pháp ăn dặm nào có thể phù hợp với tất cả trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số lưu ý cần ghi nhớ trước khi cho bé áp dụng một phương pháp ăn dặm.

Em bé đã sẵn sàng tập ăn dặm chưa?

Trước tiên, bạn nên đợi cho đến khi bé sẵn sàng phát triển đến giai đoạn có thể tự ăn thức ăn. Thời gian trung bình cũng như phù hợp nhất là khi bé được 6 tháng tuổi, có bé sớm hơn có bé muộn hơn nhưng ko nên quá sớm hay quá muộn. Nếu cho bé ăn quá sớm có thể khiến bé không hấp thụ được thức ăn cũng như chưa muốn ăn, còn nếu quá muộn sẽ làm bé bị thiếu chất cần cho giai đoạn phát triển.

Mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm, các dấu hiệu phát triển gồm có tư thế đẩy lưỡi (phản xạ tự nhiên của trẻ khi đẩy thức ăn ra bằng lưỡi), cầm nắm đồ vật bằng tay nhiều hơn và đưa lên miệng.

Dấu hiệu rõ ràng nhất là bé có thể tự ngồi dậy mà không cần hỗ trợ và thể hiện sự quan tâm đến các loại thực phẩm bạn ăn.

Nếu bạn không chắc liệu em bé của bạn đã sẵn sàng để bắt đầu BLW hay chưa, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn.

Giảm nguy cơ nghẹn, ngẹt thở

Không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc nghẹn giữa trẻ được cai sữa bằng cách sử dụng phương pháp ăn dặm truyền thống so với BLW

Không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc nghẹn giữa trẻ được cai sữa bằng cách sử dụng phương pháp ăn dặm truyền thống so với BLW

Nghẹn, nghẹt thở là một trong những mối quan tâm về an toàn thường được các chuyên gia y tế trích dẫn nhiều nhất khi thảo luận về phương pháp ăn dặm BLW. Tuy nhiên, trên thực tế các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc nghẹn giữa trẻ được cai sữa bằng cách sử dụng phương pháp ăn dặm truyền thống so với BLW.

Cha mẹ có thể thực hiện các bước sau để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị sặc khi ăn dặm:

  • Đảm bảo rằng em bé của bạn ngồi thẳng khi ăn, lý tưởng nhất là 90 độ khi quay mặt về phía bạn.
  • Không bao giờ để bé ngồi một mình khi ăn.
  • Cho phép bé tự đưa thức ăn lên miệng để bé có thể kiểm soát lượng thức ăn trong miệng, cũng như nhịp độ ăn của mình.
  • Đảm bảo rằng thức ăn mềm, có thể dễ dàng nghiền nát giữa các ngón tay hoặc khi ấn vào giữa môi.
  • Cắt thức ăn theo hình dạng dài để bé có thể dễ dàng cầm và nắm.
  • Tránh cho trẻ ăn những thức ăn có hình tròn hoặc giống đồng xu, quá dính hoặc có thể dễ vỡ thành từng miếng hoặc vụn.

Dị ứng thức ăn

Theo các nghiên cứu mới nhất, khuyến khích cha mẹ cho con thử đa dạng các loại thức ăn ngay từ khi bé bắt đầu tập ăn dặm (Nguồn tham  khảo).

Bạn càng ít cho bé ăn ít món thì càng tăng nguy cơ bé bị dị ứng thức ăn. Người châu Âu thường hay bị dị ứng hơn người châu Á tuy nhiên bạn không nên xem thường rủi ro này.

Các chất gây dị ứng phổ biến bao gồm sữa, trứng, đậu phộng, cá, hải sản, đậu nành, lúa mì, vừng và các loại hạt cây, chẳng hạn như hạt điều, hạnh nhân, hồ đào và quả óc chó.

Tốt nhất là nên giới thiệu món trên với số lượng rất nhỏ, từng món một và đợi hai đến ba ngày trước khi giới thiệu món mới. Điều này sẽ giúp bạn có đủ thời gian để nhận ra các triệu chứng của phản ứng dị ứng và giúp bạn dễ dàng biết được thực phẩm nào đã gây ra phản ứng cho bé.

Các phản ứng có thể từ nhẹ, bao gồm phát ban hoặc ngứa da, đến cực độ, chẳng hạn như khó thở và khó nuốt, và có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn các món gây dị ứng.

Nếu bạn nghi ngờ bé bị dị ứng thực phẩm hoặc có biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.

Mất cân bằng dinh dưỡng

Trong phương pháp ăn dặm BLW, trẻ được tôn trọng về khẩu vị và cách ăn do vậy trẻ thường chỉ ăn những món mà trẻ thích, điều này có thể dẫn nguy cơ bị thiếu một số chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ như sắt.

Mẹ cần lưu ý và điều chỉnh đa dạng món ăn, chủ động điều hướng bé đến một thực đơn da dạng và đầy đủ dinh dưỡng.

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) có phù hợp với bé con của bạn hay không?

Ăn dặm do trẻ chỉ huy là một phương pháp thay thế phương pháp ăn dặm truyền thống, để cho trẻ ăn thức ăn thô ngay từ đầu, cho trẻ tự chọn ăn những miếng thức ăn thông thường, thay vì ăn nước cháo hay cháo, phương pháp BLW phù hợp bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi.

Dù phương pháp Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) có thể mang lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng cũng như với bất kỳ phương pháp cai sữa nào, vẫn có một số nhược điểm và quan trọng hơn hết là bé phải thích ứng được với phương pháp này.

Ăn dặm do trẻ chỉ huy có thể giúp cha mẹ cho bé ăn dễ dàng hơn và có thể thúc đẩy các hành vi ăn uống tốt, bảo vệ bé chống béo phì và giảm quấy khóc khi ăn.

Nếu bạn chọn đúng loại thực phẩm, chế biến thành món phù hợp và thực hiện các bước tích cực để giảm nguy cơ mắc nghẹn, ăn dặm do trẻ chỉ huy có thể là một cách tuyệt vời để cho bé làm quen với nhiều loại thức ăn lành mạnh ngay từ thời điểm khởi đầu.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ăn dặm tự chỉ huy cũng như các phương pháp khác, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về chủ đề ăn dặm của Hichiu.

Nguồn tham khảo

Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ.

  • Breastfeeding. (2016)
    who.int/topics/breastfeeding/en/
  • Breastfeeding (policy statement). (2016)
    aafp.org/about/policies/all/breastfeeding.html
  • Chowdhury, R., Sinha, B., Sankar, M. J., Taneja, S., Bhandari, N., Rollins, N., … Martines, J. (2015). Breastfeeding and maternal health outcomes: a systematic review and meta-analysis. Acta Paediatrica, 104(S467), 96–113.
    doi.org/10.1111/apa.13102
  • Exclusive breastfeeding for six months best for babies everywhere. (2011)
    who.int/mediacentre/news/statements/2011/breastfeeding_20110115/en/
  • Kramer M. S., & Kakuma, R. (2012, August 15). Optimal duration of exclusive breastfeeding. [Abstract]. Cochrane Database of Systematic Reviews8. Retrieved from
    onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/14651858.CD003517.pub2/abstract
  • Preventing choking in babies and young children. (2015, January)
    healthlinkbc.ca/healthfiles/hfile110b.stm
HiChiu
Logo